Mức lợi nhuận khổng lồ này dường như là bất khả thi khi thập kỷ này bắt đầu do Phố Wall lúc đó đang là mục tiêu của phong trào phản đối trên toàn cầu. Theo Bloomberg, thập kỷ nghìn tỷ USD đầu tiên của 6 ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ sắp đến gần. Đây không phải là 1.000 tỷ USD tổng doanh thu mà là lợi nhuận thuần túy. 6 ngân hàng này bao gồm JPMorgan, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, Goldman Sachs (NYSE:GS) và Morgan Stanley.
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này bao gồm bán cổ phiếu và trái phiếu, giao dịch các công cụ tài chính, tư vấn về tiếp quản công ty, quản lý tài sản, xử lý các khoản thanh toán và cho vay…
Mức lợi nhuận khổng lồ này dường như là bất khả thi khi thập kỷ này bắt đầu do Phố Wall lúc đó đang là mục tiêu của phong trào phản đối trên toàn cầu.
Chính trị gia từ mọi đảng phái đều tức giận trước những gói cứu trợ khổng lồ, hoặc cố gắng giải thể những ngân hàng "quá lớn để có thể sụp đổ" (too big to fail).
Các nhà phân tích ước tính rằng 6 ngân hàng đang sắp đạt được lợi nhuận 1.000 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2022. Và nếu không kịp trong năm 2022, những tổ chức cho vay lớn nhất nước Mỹ sẽ chạm cột mốc trên vào những tuần đầu của 2023.
Cụ thể, JPMorgan, hiện là một trong những ngân hàng có vốn hóa và lợi nhuận cao nhất nước Mỹ, 10 năm trước đã bị chỉ trích nặng nề sau khi vụ bê bối giao dịch “Cá voi London” gây ra khoản lỗ 2 tỷ USD, Chủ tịch kiêm CEO Jamie Dimon phải ra điều trần trước quốc hội về năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng.
Wells Fargo từng đứng đầu 6 ngân hàng của Mỹ, và là nhà băng duy nhất kiếm được hơn 20 tỷ USD một năm. Sau đó, lợi nhuận của ngân hàng này đã sụt giảm do bê bối lạm dụng khách hàng. Tuy vậy, các nhà phân tích dự báo rằng Wells Fargo sẽ gần chạm ngưỡng 20 tỷ USD vào 2023.
Lĩnh án phạt hàng tỷ USD
Tuy nhiên, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu, các ngân hàng phải rút ví nộp tiền phạt.
Vào năm 2014, Bank of America đã đồng ý với khoản dàn xếp cao kỷ lục trị giá 16,7 tỷ USD để chấm dứt các cuộc điều tra về các hoạt động thế chấp kém chất lượng, vượt qua mức 13 tỷ USD của JPMorgan.
Thế nhưng, bê bối là nỗi đau không của riêng ai.
Tại Malaysia, Ngân hàng Goldman Sachs đã hoàn thành việc huy động hàng tỷ đôla Mỹ vào năm 2013 cho một quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước có tên 1MDB.
“Điều hối hận nhất của tôi trong thập kỷ qua là không ngừng thương vụ 1MDB lại”, ông Robert Mass, một giám đốc kiểm soát tại Goldman Sachs, cho biết. “Mọi vấn đề đều được kiểm tra lại, đôi khi là nhiều lần, nhưng cuối cùng, những câu trả lời đều khiến chúng tôi hài lòng”.
Ông Mass nói rằng Goldman Sachs bị “chính những người nhân viên đã nhận hối lộ của mình lừa”. Ông cho rằng bài học duy nhất là “không nên tin tưởng quá mức”.
Thập kỷ tuyệt vời - lợi nhuận khổng lồ từ các ngân hàng
Lợi nhuận khổng lồ khiến những sai lầm và án phạt trên chỉ như một trở ngại nhỏ.
Năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh miễn giảm thuế cho nhiều doanh nghiệp và một bộ phận người dân Mỹ, trong đó đối tượng hưởng lợi chủ yếu là người giàu.
Những ngân hàng từng quen với việc trả 30% lợi nhuận cho chính phủ, nhưng đến năm 2018 chỉ phải trả ít hơn 20%.
6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chỉ kiếm được chưa đầy 70 tỷ USD vào năm 2017 đã kiếm được 120 tỷ USD vào 2018 nhờ vào đợt giảm thuế của Tổng thống Trump, lãi suất đi lên cũng như sự tăng trưởng của hoạt động tiêu dùng và giao dịch.
Thập kỷ này cũng là thời kỳ tốt để trở thành nhân viên ngân hàng. Tổng tiền lương của 6 ngân hàng lớn nhất đã tăng từ 148 tỷ USD vào 2013 lên 154 tỷ USD vào 2019, bất chấp hoạt động cắt giảm lao động.
Và khi đại dịch COVID bùng phát, chính phủ đã tung ra gói cứu trợ hàng trăm tỷ USD cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, còn Fed mua hàng nghìn tỷ USD tài sản. Sự hỗn loạn trên thị trường đã mang lại biến động được nhà đầu tư chờ đợi. Các tập đoàn xếp hàng để được đi vay, huy động vốn hoặc mua lại đối thủ.
Vào năm 2021, các ngân hàng cảm thấy nền kinh tế đang tốt, và đã giải phóng một số khoản dự trữ, giúp lợi nhuận đi lên. Khi xung đột Ukraine nổ ra vào 2021, biến động thị trường tiếp tục giúp ngân hàng thu về lợi nhuận lớn.