Theo Khac Hieu
Investing.com – Tính đến 7h50 ngày 9/10 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 27.866,05 USD/BTC, giảm 0,45% trong 24 giờ. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 15,18 tỉ USD, tăng 64,95% so với ngày 8/10. Vốn hóa của Bitcoin đạt 542,85 tỉ USD, chiếm 49,2% tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Vốn hóa toàn bộ thị trường ghi nhận vào thời điểm 11h33 là 1.131,8 tỉ USD, giảm khoảng 2 tỉ USD so với 24 giờ trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường tăng 19,19% so với ngày 8/10, đạt 14,57 tỉ USD.
Nhiều đồng tiền điện tử khác cũng có xu hướng giảm trong 24 giờ qua. Theo đó, đồng ETH lại giao dịch ở mức 1.626,55 USD/ETH, giảm 0,64%. Binance Coin (BNB) và Tellor (TRB), những đồng tiền điện tử phổ biến khác cũng đều có xu hướng điều chỉnh.
Đài Loan dự kiến ban hành luật về tiền điện tử vào tháng 11?
Các nhà lập pháp ở Đài Loan được cho là đang đặt mục tiêu đưa ra dự thảo luật đặc biệt đầu tiên vào cuối tháng 11 năm 2023.
Yung-Chang Chiang, một quan chức của Viện Lập pháp Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông dự định sẽ có bản dự thảo đầu tiên để trình lên quốc hội vào cuối tháng 11 hoặc sớm hơn và rằng một đạo luật như vậy là “cần thiết” để điều chỉnh các doanh nghiệp liên quan đến tiền điện tử.
Điều này xảy ra khi các nhà lập pháp ở Đài Loan ngày càng lo ngại về hoạt động ở thị trường nước ngoài và tìm cách tránh “sự chênh lệch về quy định”. Chiang cho biết tài sản tiền điện tử khác với các sản phẩm tài chính truyền thống và cần được quản lý thông qua luật đặc biệt.
Vào ngày 6 tháng 10, ông đã tổ chức một buổi điều trần công khai tại quốc hội Đài Loan bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số, các học giả và những người khác trong ngành để thảo luận về dự thảo đề xuất.
Được biết dự luật này sẽ theo các hướng dẫn được đưa ra vào ngày 26 tháng 9 bởi Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan nhằm cải thiện các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư tiền tiền điện tử.
Được biết, dự luật này sẽ là các quy tắc bao trùm ngành, bao gồm việc tách tài sản trong kho bạc của sàn giao dịch khỏi tài sản của khách hàng và các cơ chế xem xét việc niêm yết và hủy niêm yết tài sản kỹ thuật số.
Ngoài ra, các quy tắc nêu rõ rằng các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo nước ngoài không thể cung cấp dịch vụ tại Đài Loan nếu không có sự chấp thuận cần thiết từ cơ quan quản lý địa phương.
Gần đây, các sàn giao dịch tiền điện tử lớn hoạt động tại Đài Loan cũng đã thành lập một hiệp hội để thúc đẩy lợi ích của ngành.