Theo Thanh Phong
Investing.com - Thị trường chứng khoán tiếp tục mở cửa đầu tuần với một phiên đầy khởi sắc. Có lẽ sau tuần cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân cũng đã thoải mái hơn rất nhiều. Ngay kể cả ảnh hưởng do tin tức Việt Nam bị liệt vào danh sách quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ của Mỹ nhưng phiên thứ 6 cuối tuần, chỉ số VN-Index vẫn tăng điểm một cách mạnh mẽ, bất chấp mọi tin đồn. Ngay từ sáng sớm, với sự dẫn dắt của các bluechips ngân hàng như VPB (HM:VPB), HDB (HM:HDB), MBB (HM:MBB), thị trường nhanh chóng được phủ đầy một sắc xanh lá. Sự hưng phấn liên tiếp kéo dài và nhanh chóng gặp áp lực bán khi gần đến cuối trưa. Tuy vậy, VN-Index chỉ hạ bớt nhiệt rồi lại nhanh chóng quay trở lại tăng mạnh vào buổi chiều. Và rồi kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1081,08 điểm, tăng 13,62 điểm ( 1,28% ).
Thanh khoản của phiên tăng điểm hôm nay đã có sự cải thiện rõ rệt, khác với những phiên tăng điểm trước đó với khối lượng thấp đan xen những phiên giảm với khối lượng cao. Tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt 14,367 tỷ đồng, tương ứng gần 714 triệu đơn vị khớp lệnh. Số mã tăng áp đảo hoàn toàn các mã giảm, chiếm tới 326 mã so với 141 mã giảm, 62 mã đứng giá. Chỉ số HN-Index tiếp tục là 1 phiên tăng mạnh gần 3% lên 182,11. Riêng Upcom thì xanh nhẹ , tăng 0,69 điểm lên 71,64.
Việc tăng điểm mạnh mẽ của chỉ số VN-Index giai đoạn gần đây không thể không kể đến sự đóng góp của nhóm VN30. Dù có mức tăng ngang bằng với chỉ số chính nhưng với sự tăng điểm mạnh mẽ của nhóm này chính là điểm tựa niềm tin để VN-Index tiếp tục đi lên phía trước. Thanh khoản giao dịch của nhóm này dừng ở mức 6360 tỷ đồng, khoảng 1 nửa thị trường chung cho thấy dòng tiền hiện giờ đang phân bổ đồng đều hơn cho cả những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đóng góp nhiều nhất trong nhóm này hôm nay có đến hai 2 cái mang sắc tím chính là SSI (HM:SSI) và EIB (HM:EIB). Cả hai đều đã trắng bên bán và dư mua trần hơn 100 ngàn cổ phiếu. Theo tính toán của SSI Rearch thì sang năm sau, với các quy định mới xếp hạng cổ phiếu vào rổ 30 thì EIB là một trong ba mã bị gạt ra. Bênh cạnh đó có SAB (HM:SAB), ROS (HM:ROS). HDB nay cũng có đà bứt phá đi lên, tăng 5,3%. SBT (HM:SBT) cũng rất ấn tượng , trên 5%. VPB sau phiên kịch trần hôm trước, nay tăng 4,3%. Có đến 23 mã tăng điểm so với việc chỉ có 4 mã giảm là SAB, ROS, MSN (HM:MSN), HPG (HM:HPG), mặc dù mức giảm không đáng kể, dưới 1%.
Dòng chứng khoán thể hiện rõ vai trò việc dẫn dắt con sóng tăng của thị trường chung giai đoạn này. Liên tiếp những phiên tăng điểm với sự đồng thuận của hầu hết các mã trong ngành. Rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh, kịch trần biên độ như AAS tăng 10,7%. SHS (HN:SHS) đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày và cũng là mức giá trần biên độ 10%. SSI, VCI (HM:VCI), CTS, VND (HM:VND), TVS đều là những mã có sắc tím, ngoài ra còn rất nhiều mã trong nhóm có mức tăng tích cực. TVB là cổ phiếu duy nhất bị giảm giá, mất 1,2%.
Tất nhiên, nhóm tài chính nếu có chứng khoán thì không thể không kể đến ngân hàng. Năm nay dù là một năm không quá thuận lợi với ngành này nhưng đây cũng có thể coi là 1 năm bản lề để các doanh nghiệp tái cơ cấu, tăng vốn, chuyển sàn,... chuẩn bị cho một năm mới bứt phá hơn. Bên cạnh EIB thì TPB là cái tên số 2 khoác áo tím ở nhóm này. Dù không rực rỡ như các cổ phiếu dòng chứng khoán, nhưng các mã như BVB, KLB, SHB (HN:SHB),... cũng đều cho mức tăng trên 3%. Hôm nay cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền của VCB (HM:VCB) khi công ty này quyết định chia cổ tức tiền mặt 8%/năm. Giá cổ phiếu hiện giờ dừng ở mức 98.900 VND, tăng nhẹ 0,8% so với đầu ngày.
Nhóm bảo hiểm cũng không thể không nhắc tới. Cổ phiếu MIG ở nhóm này nay đã tăng tới 12,8% với gần 1 triệu rưỡi đơn vị khớp lệnh, gấp 6 lần với những ngày thông thường. Tháng 11 vừa qua, công ty cũng đã nộp hồ sơ chuyển niêm yết lên sàn HOSE. Hiện tại chưa có thông báo chấp thuận từ phía HOSE. Quý 3/2020, mặc dù có kết quả doanh thu tăng trưởng 45% so với cùng kỳ nhưng do chi phí hoạt động tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đã giảm mất gần 35%. BLI cũng tăng 13,6% nhưng cổ phiếu này không có nhiều khối lượng giao dịch. PGI, ABI, BIC (HM:BIC), BMI (HM:BMI) có sắc xanh tích cực, riêng ông lớn BVH (HM:BVH) thì giữ nguyên sắc vàng tham chiếu.
Giá cao su quốc tế đêm qua tăng mạnh. Nhu cầu cao su tự nhiên phục vụ cho sản xuất công nghiệp tăng vọt xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc cũng như các quốc gia sản xuất lớn đang dần hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid. DRI, GVR là hai mã đã tăng kịch trần biên độ 15% và 7%. TRC cũng tăng tốt 6,7%. DPR (HM:DPR), PHR (HM:PHR), HNG (HM:HNG) đều mang sắc xanh nhẹ tích cực.
Dù giá dầu thế giới có điều chỉnh giảm xuống hôm qua do những lo ngại về chủng vi rút Covid mới xuất hiện ở Anh khiến hàng loạt các nước châu Âu đang nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng vệ, cách ly xã hội. Tuy nhiên, trong nước, cổ phiếu dầu khí dường như phản ứng trái ngược với sự kiện này. Điển hình là OIL (HN:OIL) khi cổ phiếu này tăng kịch trần 15%. BSR vẫn duy trì đà tăng của mình + 6,5%. PVO, PVB, PVC (HN:PVC), PVD (HM:PVD), PVS (HN:PVS) đều trên 2%. Chỉ có POS ghi nhận giảm nhẹ 1%.
Hôm nay khối ngoại tiếp tục mua ròng khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó đứng đầu vẫn là chứng chỉ quỹ FUEVFVND, theo sau là các cổ phiếu HPG, VCB, VHM (HM:VHM). Việc mua ròng chứng chỉ quỹ liên tục gần đây cũng có thể thấy một phần khối ngoại đang đánh giá tốt về triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngược lại thì bên bán lại tập trung vào các cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa như LCG, VHC (HM:VHC), KBC (HM:KBC), MSR (HN:MSR). Sàn HNX thì lượng mua bán khá cân bằng nhau, khoảng 18 tỷ đồng, trong đó LHC (HN:LHC) được hai bên trao tay nhiều nhất với 10 tỷ đồng.