Tại ngày 30/9/2022, tổng dư nợ trái phiếu của DIC Corp (DIG (HM:DIG)) đạt mức 3.417,34 tỷ đồng. Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (HOSE: DIG) đã dùng cổ phiếu DIG để làm tài sản đảm bảo (TSĐB) cho việc phát hành 3 lô trái phiếu.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, tính tới ngày 30/9/2022, DIG ghi nhận tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 5.301,99 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng nguồn vốn và bằng 70,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Công ty thuyết minh có tổng dư nợ 3.417,34 tỷ đồng trái phiếu.
Lô trái phiếu DIGH2124001 phát hành ngày 16/09/2021 với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 16/9/2024; trái phiếu DIGH2124002 phát hành ngày 30/9/2021 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 30/9/2024; và lô trái phiếu DIGH2124003 phát hành ngày 26/11/2021 với tổng mệnh giá 1.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 26/11/2024.
Lãi suất được áp dụng 3 tháng đầu là 11%/năm cho 3 lô trái phiếu, các kỳ sau được tính là 4,25% cộng với lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân 12 tháng tại Ngân hàng HDBank (HM:HDB).
Đáng chú ý, tài sản đảm bảo của 3 lô trái phiếu trên là toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác tiêu thụ sản phẩm dự án “Khu Đô thị du lịch Long Tân” với diện tích 331,9 ha tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; và cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát hành từ số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng mà Công ty sở hữu.
Dù DIC Corp không công bố cụ thể số lượng cổ phiếu DIG đang thế chấp làm tài sản đảm bảo, song DIG từ đầu năm tới nay liên tục lao dốc về mốc 14.400 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 85% so với đầu năm.
Trong khi đó, tại thời điểm 3 lô trái phiếu được phát hành ngày 16/9/2021, ngày 30/9/2021 và ngày 26/11/2021 DIG lần lượt giao dịch 27.130 đồng/cp, 25.410 đồng/cp, và 57.300 đồng/cp.
Như vậy, thị giá hiện tại lần lượt giảm 46,9%, 43,3% và 74,9% so với thời điểm phát hành 3 lô trái phiếu DIGH2124001, DIGH2124002 và DIGH2124003 - tức giá trị tài sản đảm bảo đã bị sụt mạnh.
Theo quy định, Tổ chức phát hành luôn luôn phải đảm bảo giá trị TSĐB có giá trị đạt mức tỷ lệ đảm bảo tối thiểu so với tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành. Nếu giá cổ phiếu giảm dẫn tới giảm giá trị TSĐB thì đơn vị quản lý TSĐB sẽ yêu cầu bổ sung tài sản, hoặc TCPH mua lại một phần trái phiếu trước hạn để đảm bảo tỉ lệ này. Định kỳ 3 tháng 1 lần, Đại lý quản lý TSĐB phải đánh giá TSĐB và gửi báo cáo định kỳ.
Như vậy, DIG khả năng cao sẽ phải chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn hoặc rót thêm cổ phiếu hay tài sản khác để đảm bảo tỷ lệ tối thiếu so với tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành.
Liên quan tới DIG, mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và các cổ đông có liên quan liên tiếp bị call margin. Chỉ trong vài ngày giao dịch, lượng cổ phiếu bị đem ra bán giải chấp đã lên tới gần chục triệu đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT đồng thời là con ông Tuấn vừa thông báo chỉ mua vào 4,57 triệu cổ phiếu DIG (tương ứng 23% lượng cổ phiếu đã đăng ký) do không thu xếp được tài chính.
Các nhà đầu tư hiện vẫn đang mong chờ ông Tuấn thực hiện lời hứa sẽ mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG nếu như giá cổ phiếu hết tháng 10 vẫn ở dưới mức 30.000 đồng/cp.