Vietstock - HOSE và HAG (HM:HAG), ai là “nạn nhân” của ai?
Những ngày qua, vụ cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc đang là tâm điểm của giới đầu tư. Nhiều ý kiến được đưa ra nhưng phần đông thiên về bảo vệ HAG và chê trách cơ quan chủ quan, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Với nghiệp vụ hồi tố báo cáo tài chính thực hiện trong năm 2021, HAG ghi nhận đẩy lỗ về 3 năm 2017, 2018 và 2019. Kết quả lỗ 3 năm liên tiếp đẩy cổ phiếu tới bờ vực hủy niêm yết bắt buộc. Sau khi hồi tố, HAG đã có giải trình, xin được thử thách để duy trì niêm yết “bởi các cổ đông mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm”.
Có nhiều nhận định rằng “cứ đúng quy định mà làm” với HAG. Nhưng thực tế lại chưa có quy định nào cho trường hợp này, tức tính trước việc doanh nghiệp đổ lỗi quá khứ.
Được biết, HOSE đang xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về vấn đề này.
Trong trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Chủ tịch UBCKNN cho biết thẩm quyền huỷ niêm yết hay không là của HOSE. Tất nhiên, UBCKNN cũng có trách nhiệm, nhưng do mọi chuyện đang trong quá trình xử lý nên chưa thể thông tin gì thêm. Rõ ràng, thế khó vẫn nằm ở HOSE.
Về phía HAG, việc hồi tố báo cáo và (có vẻ) thành khẩn xin được thử thách để không bị hủy niêm yết thoạt nhìn rất… tự nhiên. Rằng đây chỉ là một tình huống phát sinh bất ngờ mà doanh nghiệp không tính trước được. Nhưng nếu bóc tách lại toàn bộ câu chuyện thì có vẻ đường đi nước bước không đơn thuần như vậy.
Với những doanh nghiệp mà tài sản nằm phần lớn ở khoản phải thu và xây dựng dở dang thì chắc chắn khi muốn "tác động" đến báo cáo tài chính, họ chỉ cần tác động vào 1 trong 2 khu vực này.
Điều đáng nói là tài sản dở dang và cố định của HAG lại chủ yếu được hợp nhất bởi công ty con là HNG (HM:HNG) (từ năm 2021 thì HNG đã không còn là công ty con của HAG). HNG thì lại có liên quan tới THACO. Vậy nên HAG chỉ có thể tập trung vào khoản phải thu mà biến tấu. Với trường hợp hiện tại, nghiệp vụ trích lập đang được áp dụng.
Về nguyên tắc, trích lập dự phòng là một khoản chi phí không bằng tiền. Khi công ty trích lập thì trên bảng cân đối kế toán, tài sản trích lập giảm dẫn tới tổng tài sản giảm, tổng nguồn vốn giảm tương ứng. Trên báo cáo thu nhập sẽ ghi nhận tăng ghi phí trích lập tương ứng và làm giảm lợi nhuận.
Ngược lại, hoàn nhập sẽ làm tăng tài sản - nguồn vốn và tăng lợi nhuận. Ở tình huống của HAG thì liên quan đến khoản phải thu nên sẽ được ghi nhận tăng/giảm chi phí quản lý trên báo cáo thu nhập.
Tất nhiên là việc trích lập hay hoàn nhập sẽ phải theo những chuẩn mực. Nhưng chuẩn mực vốn dĩ do con người lập nên, nên không tránh khỏi những kẽ hở do chính con người… bẻ khóa! Đó cũng chính là lý do mà đơn vị kiểm toán báo cáo của HAG - EY Việt Nam nêu ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp với HAG về các khoản phải thu. HAG kiên quyết bỏ ngoài tai. Mãi đến năm 2021 thì HAG mới chịu nghe EY một cách rất… khôn khéo và trúng thời điểm.
Một chuyên gia tài chính đã bóc tách nước cờ “bỏ ngoài tai” của HAG: Ban đầu Công ty nhất định không trích lập, né án huỷ niêm yết năm 2020. Đến năm 2021 đồng ý với EY, nhiệt tình hồi tố lỗ vào 3 năm từ 2017-2019, bám vào kẽ hở trong quy định niêm yết. Để kế hoạch này thành công thì bắt buộc năm 2021 phải có lời. Mũi tên này trúng 3 đích, một là thoát án huỷ niêm yết năm 2020, hai là gột rửa được ý kiến của kiểm toán trên BCTC và ba là có sẵn "của để dành" cho 2021-2022.
Bước kế tiếp là “xin được thử thách” cộng với nhiều “ẩn ức” có sẵn từ cộng đồng đầu tư đối với HOSE, mũi dùi dư luận chĩa về phía Sở. Sở lâm cảnh lúng túng, loay hoay vì chưa có tiền lệ về mặt quy định, mà HAG lại đang chấp hành rất… tốt!
Hủy hay không hủy thì hệ quả của nó cũng ít nhiều tạo thành tiền lệ. Nếu cách giải quyết không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng tới việc quản lý doanh nghiệp niêm yết sau này. HOSE và HAG ai mới là “nạn nhân” của ai, hay đều cùng là “sản phẩm” của những kẽ hở pháp lý về hồi tố báo cáo tài chính?
Chí Kiên