Vietstock - Việt Nam tiêu thụ 12 tấn vàng trong quý III/2022
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý III/2022 đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng đạt 12 tấn.
Quý III, tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam đạt 12 tấn.
|
Cụ thể, tại Việt Nam, từ 3,3 tấn trong quý III/2021, nhu cầu tiêu thụ vàng các loại đạt 12 tấn trong quý III/2022, tăng 264%. Về tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, mức tăng trưởng tương tự khi tăng từ 2,4 tấn ở quý III/2021 lên 8,5 tấn trong quý III/2022, tăng 254%. Nhu cầu trang sức tăng từ 0,9 tấn trong quý III/2021 lên 3,5 tấn trong quý III/2022, tăng 290%.
Giải thích về sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ vàng so với cùng kỳ năm trước, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và chuyên gia chính sách công cho biết: "Sự gia tăng đáng kể về nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi và xu vàng cũng như nhu cầu trang sức ở quý III/2021 yếu hơn nhiều so với hiện tại. Với việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và hạn chế trong việc phòng chống COVID-19, các hoạt động kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường, đáng lưu ý là sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vọt".
Trên toàn cầu, các hoạt động đầu tư giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân các nhà đầu tư vào quỹ ETF trở nên thận trọng hơn trước tình hình thị trường đầy thách thức, cụ thể là lãi xuất tăng cao cùng đồng đô la Mỹ tăng mạnh, theo đó lượng vàng bị bán đi đáng kể khỏi các quỹ lên đến 277 tấn.
Bên cạnh đó, sự suy giảm của nhu cầu đầu tư vào thị trường OTC và tâm lý tiêu cực về tương lai của các thị trường đầu tư cũng đã ảnh hưởng đến giá vàng - góp phần khiến giá vàng trên toàn cầu giảm 8% tại quý III/2022 so với quý II/2022.
Ngoài ra, nhu cầu mua bán và tiêu dùng đồ trang sức tiếp tục phục hồi và hiện đã quay trở lại trạng thái trước đại dịch, đạt 523 tấn, cao hơn 10% so với quý III/2021. Phần lớn của sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi người tiêu dùng tại các khu vực đô thị ở Ấn Độ với số lượng tiêu thụ đạt mức 146 tấn, tăng 17% so với năm ngoái.
Mức tăng trưởng ấn tượng tương tự cũng có thấy được ở phần lớn khu vực Trung Đông, cụ thể Ả Rập Xê Út tăng 20% kể từ quý III/2021 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 30% trong cùng kỳ.
Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức đạt mức tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, do niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện và giải phóng các nhu cầu bị dồn nén, cũng như sự sụt giảm của giá vàng trong nước vào tháng 7.
Về nguồn cung, sản lượng khai thác mỏ (được ổn định và bảo vệ giá) đã tăng 2% so với quý III/2021 với lượng khai thác vàng đạt mức tăng trưởng ở quý thứ sáu liên tiếp. Ngược lại, tỷ lệ tái chế giảm 6% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái.
Hải Yên