Vietstock - Đường tăng giá, nhà máy hồi sinh
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một số nhà máy đường trước đây tạm ngưng sản xuất vì thua lỗ nay đã bắt tay vào hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết giá đường thế giới đang tăng khá mạnh, đây được xem là giá cao nhất trong thập kỷ qua. Giá đường thế giới tăng cũng giúp giá đường trong nước tăng theo. Từ đó các nhà máy đường đã tăng công suất sản xuất. Thời gian tới sẽ có thêm một số nhà máy ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung trước đây tạm đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sẽ hoạt động trở lại.
Nhiều nhà máy tăng công suất
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá mía nguyên liệu được các nhà máy thu mua với mức tăng dần. Cách nay 3 năm, giá mía nguyên liệu từ 900.000 - 950.000 đồng/tấn, sau đó tăng lên 1 triệu đồng và mùa vụ năm nay tăng lên 1,2-1,3 triệu đồng/tấn. Dù giá mía nguyên liệu tăng nhưng do những năm trước nhà máy chưa có lãi vì giá đường bán ra thấp so với giá mía nguyên liệu, tuy nhiên gần đây, giá đường thế giới tăng cao đã giúp cho giá đường trong nước tăng theo. Cụ thể, giá đường bán ra tại các nhà máy đã tăng lên đến 19.000 đồng/kg. Giá đường bán lẻ trên thị trường hiện nay cũng đạt mức gần 30.000 đồng/kg. Với mức giá này đã giúp nhà máy có lãi.
Theo báo cáo từ Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (HM:SBT), giá đường tăng đã giúp doanh thu thuần trong quý III (từ ngày 1-1 đến 31-3) niên độ 2022-2023 của công ty tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5.710 tỉ đồng. Trong đó, mảng đường ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh nhất 75% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5.180 tỉ đồng nhờ giá đường liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.
Giá đường bán lẻ chạm mốc 30.000 đồng/kg |
Công ty này cũng đã chính thức hợp tác chiến lược với một công ty tài chính quốc tế và một ngân hàng để có được tài trợ khoản vay vốn lưu động với quy mô 40 triệu USD. Toàn bộ số tiền huy động được công ty sử dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường.
Ông Ngô Vân Tú, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An, cho biết giá đường tăng là tín hiệu đáng mừng, giúp các nhà máy có lãi và mạnh dạn đầu tư trở lại. Ông Tú thông tin nhà máy có công suất 800.000 tấn/năm nhưng đến nay cũng chỉ sản xuất chưa tới 700.000 tấn/năm. Do đó, công ty đang phục hồi lại vùng trồng mía nguyên liệu bằng cách hợp tác với nông dân để đạt sản lượng 800.000 tấn. Mỗi năm công ty đầu tư cho nông dân hơn 5 tỉ đồng để cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, hỗ trợ nông dân đưa cơ khí hóa vào cánh đồng mía giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất sản xuất lên gấp nhiều lần.
Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi (HN:QNS), cho hay giá đường tăng đã giúp các nhà máy có lãi và tự tin đầu tư vùng nguyên liệu cũng như tăng công suất nhà máy, kể cả tiếp tục tăng giá mía nguyên liệu để nông dân mở rộng diện tích trồng mía, từ đó giúp nhà máy có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất.
Vẫn còn nguy cơ
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, những năm trước do đường nhập lậu tràn vào với số lượng quá lớn, sau đó thêm nguồn đường từ gian lận thương mại đã bóp nghẹt ngành mía đường trong nước, từ hơn 40 nhà máy chỉ còn 24 nhà máy hoạt động, trong đó không ít nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết trong mấy năm dịch COVID-19 nhờ việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn dẫn đến đường lậu giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau khi hết dịch, đường lậu tiếp tục tràn về gây khó khăn cho ngành đường trong nước. Trong năm 2022, đường nhập lậu lên đến khoảng 700.000 tấn, tương đương với lượng đường sản xuất trong nước. Chưa kể lượng đường nhập về theo dạng gian lận lẩn tránh phòng vệ thương mại thêm khoảng 700.000 tấn đã khiến ngành mía đường trong nước lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Cũng theo ông Lộc, do giá đường thế giới đang tăng cao nên đường lậu không còn nhập về ồ ạt như trước đã phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà máy đường trong nước. Song đây cũng chỉ là giai đoạn tạm thời, nếu giá đường thế giới giảm trở lại thì đường lậu sẽ tiếp tục tràn vào với giá rẻ và đẩy các nhà máy đường vào tình trạng thua lỗ như trước đây.
Ông Lộc nhận định giá đường thế giới tăng không do cung cầu, vì hiện nay đường vẫn đang trong tình trạng thừa cung. Giá đường thế giới tăng còn do các quỹ đầu cơ mua khống, bán khống tạo giá tăng. "Để ngành đường trong nước phát triển ổn định chỉ cần có giải pháp phòng chống đường nhập lậu hiệu quả cũng như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch" - ông Lộc nhấn mạnh.
Sản lượng đường trong nước tăng khoảng 15% Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mùa vụ mía đường năm nay khá thuận lợi về thời tiết giúp năng suất đạt hiệu quả tốt, chữ đường tăng cao. Mùa vụ mía đường năm nay đang đi vào giai đoạn cuối, hiện chỉ còn một số nhà máy ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc là còn hoạt động (các nhà máy ở khu vực Đông Nam Bộ và miền Tây đã kết thúc mùa vụ từ đầu tháng 4 vừa qua). Đến thời điểm này, các nhà máy đường đã đạt được khoảng 800.000 tấn đường, kết thúc vụ sẽ đạt khoảng 900.000 tấn, tăng 15% so với mùa vụ năm ngoái. |
Bài và ảnh: Nguyễn Hải