Vietstock - Liên minh OPEC+ sắp gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng?
Các quốc gia sản xuất dầu lớn đang nghiêng nhiều hơn về phương án gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong năm 2019, đặt ngoài tai lời kêu gọi gia tăng sản lượng và giảm bớt giá dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất khác, bao gồm cả Nga, đang cố gắng giữ cung và cầu dầu ở trạng thái cân bằng, đồng thời ổn định giá dầu bằng cách bơm ít dầu hơn. Vào cuối tuần trước, một ủy ban đại diện cho liên minh OPEC+ báo hiệu rằng họ sẽ gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng – vốn đã giúp giá dầu tăng thêm 20 USD/thùng trong năm nay.
Nếu OPEC+ gia hạn thỏa thuận tại cuộc họp tháng 6/2019, đây sẽ là lần thứ hai trong 6 tháng mà liên minh này ngó lơ lời kêu gọi của ông Trump – người phản đối các đợt cắt giảm sản lượng dầu hiện nay. Miễn là thỏa thuận cắt giảm sản lượng tiếp tục, giá dầu WTI có khả năng dao động gần mức đỉnh 6 tháng, quanh mức 63 USD/thùng.
Điều đó sẽ thu hút sự chú ý của ông Trump. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn làm giảm giá xăng, nhưng chính sách ngoại giao của ông lại gây áp lực tăng giá lên các hợp đồng dầu tương lai – qua đó thúc đẩy giá xăng.
Washington đã hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu khi áp lệnh trừng phạt lên hai thành viên OPEC là Iran và Venezuela. Ông Trump muốn các đồng minh ở Ả-rập Xê-út và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) – hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC – bù đắp lượng dầu mất đi bằng cách bơm thêm dầu.
Thế nhưng, Ả-rập Xê-út và UAE đã không nâng sản lượng theo lời ông Trump. Trong ngày Chủ nhật (19/05), Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, cảnh báo rằng dự trữ dầu toàn cầu ngày càng tăng, qua đó có thể khiến giá dầu tụt dốc.
“Nhìn chung, thị trường đang trong thời điểm nhạy cảm”, ông Falih nói với các phóng viên tại cuộc họp ở Jeddah (Ả-rập Xê-út).
“Mặt khác, có nhiều vấn đề về sự gián đoạn nguồn cung và các lệnh trừng phạt”, ông nói. “Thế nhưng, chúng tôi nhận thấy dự trữ dầu ngày càng tăng. Chúng tôi thấy nguồn cung đang quá nhiều trên toàn thế giới”.
Các quốc gia thuộc liên minh OPEC+ đang muốn cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung từ liên minh này thực thế giảm còn mạnh hơn thế, theo Ủy ban Giám sát Cấp bộ trưởng Chung (JMMC). JMMC được thành lập để giám sát mức độ tuân thủ với hạn ngạch sản lượng trong thỏa thuận sản lượng, lần đầu tiên đồng ý trong tháng 12/2016 và được gia hạn vào mùa thu năm ngoái.
JMMC đã họp tại Jeddah trong ngày Chủ nhật (19/05), nhưng không đưa ra đề xuất cho liên minh OPEC+. Liên minh này sẽ họp tại trụ sở của OPEC ở Vienna vào tháng 6/2019. JMMC cũng đưa ra nhận định tương tự với ông Falih, cho rằng các thành viên cần thêm thông tin từ các chuyên viên phân tích thị trường dầu, trước khi quyết định có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
“Khi phân tích các điều kiện hiện tại trên thị trường dầu và diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại, Ủy ban cũng thừa nhận những bất ổn vẫn còn đó, bao gồm cuộc đàm phán thương mại, diễn biến về chính sách tiền tệ và thách thức địa chính trị”, JMMC cho biết.
Trong ngày thứ Hai (20/05), Giovanni Staunovo, Chuyên viên phân tích hàng hóa tại UBS, cho biết liên minh OPEC+ đang cân nhắc trì hoãn cuộc họp tháng 6/2019 cho tới tháng 7/2019, có lẽ là để các thành viên có thêm dữ liệu để cân nhắc về chuyện gia hạn thỏa thuận.
Phần lớn sự bất ổn mà JMMC nhắc tới đều xuất phát từ Washington. Mỹ đã phủ bóng đen u ám lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu khi leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Cùng lúc đó, chính quyền Mỹ cũng gia tăng căng thẳng với Iran.
Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, cho hay trong ngày Chủ nhật (19/05) rằng thị trường dầu hiện rất bất ổn và khó mà thiết lập chính sách dài hạn. Ông Novak đề cập tới hai diễn biến trong tháng này: Sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và quyết định thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran – với ý định đẩy xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0.
Tuy nhiên, liên minh OPEC+ có thể xoa dịu bớt nỗi lo cho những quốc gia mua dầu và liên minh này đang cân nhắc các phương án lựa chọn, ông Novak nói với CNBC.
Trong tháng 4/2019, Ả-rập Xê-út bơm 9.7 triệu thùng/ngày, ngay cả khi họ được phép bơm 10.3 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận OPEC+. Điều này có nghĩa Ả-rập Xê-út có thể bơm thêm gần 570,000 thùng/ngày tới thị trường ngay cả khi liên minh OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)