Vietstock - Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động ra sao trong 12 kỳ tăng giá?
Trong 12 kỳ điều hành tăng giá, liên bộ đã thực hiện chi sử dụng quỹ liên tục để hạn chế đà tăng mạnh của mặt hàng này so với thế giới.
Từ 15h chiều 13/6, giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo chu kỳ. Với đợt tăng thứ 6 liên tiếp, xăng E5 RON 92 tăng lên 31.110 đồng/lít, còn xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 800 đồng/lít, lên mốc 32.370 đồng/lít.
Tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 12 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 8.494 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.951 đồng/lít, mức tăng liên tục và cao nhất trong lịch sử.
Song hiện nay, giá mặt hàng này bị đẩy lên cao và liên tục kéo theo giá hàng hóa tăng đè nặng lên cuộc sống của người dân, doanh nghiệp. Để hạn chế mức tăng mạnh như thế giới, trong các kỳ điều hành giá, cơ quan điều hành cho biết đã thực hiện chi sử dụng quỹ liên tục cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít, tuỳ loại.
6 lần chi, 9 lần trích
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 12 lần tăng và 3 lần giảm giá. Đối với xăng RON 95, cơ quan điều hành đã có 6 lần chi và 9 lần trích quỹ bình ổn, trong đó, mức chi cao nhất là 1.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 và mức trích cao nhất là 650 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 12/4.
Thực tế, trong 12 kỳ tăng giá từ đầu năm đến nay, liên bộ đã phải liên tục ngừng trích và tăng chi sử dụng quỹ để "hãm" đà tăng giá xăng dầu. Theo số liệu của cơ quan quản lý, trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.
Theo quy định, quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ theo quy định.
Bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Song, thực tế khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn phải chi mạnh khiến nhiều doanh nghiệp âm quỹ lớn; còn khi giá giảm, cơ quan điều hành phải trích quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước dẫn đến mức giảm "nhỏ giọt" như 3 kỳ điều chỉnh vừa qua.
Hiện, giá xăng trong nước đã lên mức kỷ lục từ trước đến nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bộ Tài chính xem xét bỏ quỹ bình ổn
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Đối với các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên Bộ này đã đưa ra một số điều chỉnh theo nội dung chính sách. Đáng chú ý, cơ quan này đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.
"Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường", Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo PGS (HN:PGS) TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, rất khó để bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. "Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng muốn bỏ quỹ này tuy nhiên hiện nay chưa phải lúc. Bởi nếu muốn bỏ quỹ bình ổn mặt hàng xăng dầu cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn", ông nói.
Ông cho biết hiện nay, giá xăng dầu vẫn do nhà nước điều chỉnh và coi đây là mặt hàng chiến lược để định giá.
"Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường và nhà nước có kho dự trữ rất lớn, muốn tác động giá sẽ xả các kho này. Còn ở Việt Nam, kho dự trữ xăng dầu quốc gia rất mỏng và vẫn gộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối", vị chuyên gia nhìn nhận với Zing.
Theo ông, quỹ bình ổn giá xăng chỉ có tác dụng giảm đà tăng sốc của giá xăng dầu. "Vấn đề quan trọng là làm sao thực hiện đúng các quy định nhà nước về việc trích lập cũng như xử lý quỹ bình ổn này. Khoảng 2-3 năm gần đây, công tác sử dụng quỹ này đã được liên bộ công khai, minh bạch và cơ chế trích, xả quỹ tương đối rõ ràng", ông đánh giá.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện cơ chế dự trữ quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên giao dự trữ cho các doanh nghiệp đầu mối.
"Theo đó, Bộ Công Thương sẽ có đề xuất với Chính phủ đầu tư hơn về mặt tài chính, xây dựng các kho dự trữ chiến lược, tách dự trữ quốc ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối, không gửi ở doanh nghiệp nữa và can thiệp bằng thuế, phí", ông Đông nói.
Thanh Thương