Vietstock - Nông dân hưởng lợi bao nhiêu từ giá xuất khẩu gạo?
Thủ tướng đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, nhưng ngay trong giới chuyên gia nông nghiệp cũng có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau liên quan đến việc tạm dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo.
Có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc tạm dừng xuất khẩu gạo
Ảnh: Gia Hân
|
Nguyên nhân dừng xuất khẩu gạo là lo an ninh lương thực quốc gia và hiện tượng Trung Quốc tăng cường nhập gạo trong 2 tháng đầu năm nay gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trên thế giới có xu thế nhiều nước tăng nhu cầu nhập gạo do tác động của dịch Covid 19.
Không lo thiếu gạo
Lâu nay, chúng ta vẫn sử dụng cụm từ an ninh lương thực là không chuẩn xác cả về thuật ngữ và thực tế. Thời bao cấp, mỗi người dân cần 15 kg gạo/tháng. Khi đời sống ngày càng nâng cao, nhu cầu về gạo ít hẳn đi vì có nhiều loại thực phẩm khác được đưa vào khẩu ăn hàng ngày. Do đó, nên thay khái niệm an ninh lương thực bằng an ninh dinh dưỡng.
Cách đây hơn 20 năm, khi bàn về an ninh lương thực, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã phân tích rất xác đáng: “Việt Nam yên tâm về an ninh lương thực vì đất nước ta vĩ độ dài, ngày nào cũng có người làm lương thực mà sản xuất lúa gạo chỉ cần 100 ngày là có ăn rồi...”.
Nhìn lại năm 2018, Việt Nam sản xuất 28 triệu tấn gạo một năm và xuất khẩu 6,5 triệu tấn, tức là xuất khẩu chiếm 23% sản lượng. Như thế, không cần lo thiếu gạo. Vấn đề cần quan tâm là sản xuất lương thực phải nằm trong chuỗi hàng hóa có giá trị cao, xuất khẩu được giá, đúng thời điểm để doanh nghiệp và người dân đều hưởng lợi.
Nếu chỉ xét đến việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thì theo số liệu thống kê của Hải quan, 2 tháng đầu năm nay xuất được 66.222 tấn, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 9.534 tấn. Tuy nhiên, số lượng gạo xuất 2 tháng đầu năm nay chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2017, khi Việt Nam xuất sang Trung Quốc đến 242.361 tấn.
Giá xuất khẩu mua từ nông dân là bao nhiêu ?
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân báo cáo tại buổi làm việc ngày 26.3, tổng lượng tồn kho đạt 1.574.139 tấn gạo các loại. Trong đó, lượng gạo tồn kho trong hội viên là 1.507.363 tấn, lượng gạo tồn kho ngoài hội viên là 66.776 tấn. Đó là chưa kể đến lượng gạo tồn kho của một số thương nhân nhỏ chưa báo cáo và lượng gạo tồn trong dân.
Như vậy, ngoài yếu tố đảm bảo an ninh lương thực, kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người nông dân, ít nhất mỗi tháng (từ nay đến vụ Hè Thu) có thể điều tiết xuất khẩu hơn 500.000 tấn gạo. Trong khi đó, năng lực các cảng và tàu xuất của Việt Nam nếu đạt đến công suất tối đa cũng chỉ 600.000 tấn/tháng.
Lịch sử đã chứng minh, nông dân là tầng lớp đông đảo luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất, cống hiến nhiều nhất và cũng hy sinh nhiều nhất. Ngay cả thời Covid-19 này, nông thôn và nông dân vẫn là nơi ẩn trú, nương tựa cho nhiều người thân đi xa, thất nghiệp trở về. Nếu ngừng xuất khẩu thì chắc chắn giá lúa sẽ giảm và người nông dân lại khốn khổ.
Nếu ngừng xuất khẩu, giá lúa chắc chắn sẽ giảm Ảnh: Công Hân
|
Giá xuất khẩu hiện nay khoảng 450 USD/tấn (dựa vào thống kê xuất để tính) nhưng người sản xuất chỉ nhận được khoảng 300 USD/tấn. Phần còn lại là chi phí và người xuất khẩu hưởng lợi. Vào tháng 3.2019, giá xuất khẩu là 7.700 đồng/kg. Giá thành sản xuất lúa là 4.300 - 4.500 đồng/kg, nếu lấy tỷ lệ gạo trên lúa là 65% thì giá thành là 6.600 - 7.000 đồng. Như vậy, giá thành chỉ khoảng 300 USD/tấn và giá xuất khẩu là 330 USD/tấn. Phải chăng đây là giá người xuất khẩu mua từ nông dân. Còn 450 USD là giá họ nhận được?
Hợp đồng thương mại bán gạo đã ký cần phải thực hiện. Nếu không, sẽ bị phạt và mất tín nhiệm. Có chăng, cân nhắc nếu cần thì không ký thêm hợp đồng mới. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, tuy hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng dự kiến sản lượng lúa gạo cả năm vẫn đạt khoảng 43,5 triệu tấn. Dự báo được Bộ NN&PTNT cho thấy, nhu cầu tiêu thụ lúa trong nước là 29,96 triệu tấn thóc. Trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn thóc; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn thóc; phục vụ chăn nuôi là 3,4 triệu tấn thóc; dùng làm giống, giống dự phòng là 1 triệu tấn thóc; dự trữ trong nước là 3,8 triệu tấn thóc.
Như vậy, sản lượng lúa gạo năm 2020 của Việt Nam hoàn toàn có thể bảo đảm cho tiêu thụ và dự trữ trong nước, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19. Cùng với đó, có thể tăng diện tích canh tác các vụ mùa tiếp theo trong năm 2020.
Tận dụng Covid- 19 để thay đổi thị trường
Có một điều lưu ý, duy trì xuất khẩu gạo bình thường là đúng, nhưng cần phải điều tiết để đến tháng 7.2020 khi EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam có hạn mức 80.000 tấn gạo xuất sang châu Âu. Cần tận dụng Covid-19 để thay đổi cơ cấu thị trường, khi xuất sang châu Âu sẽ được giá hơn.
Chính phủ đưa ra quyết định cần xem xét tất cả các khía cạnh, phân tích đến tác động của chính sách đến mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt người nông dân. Chuyện xuất khẩu gạo chắc có liên quan đến các “ông lớn” kinh doanh trong ngành là điều khó tránh khỏi. Về lâu dài, câu chuyện thể chế và công khai minh bạch mới xử lý được các thuyết âm mưu và hướng đến Chính phủ kiến tạo.
Ý kiến rất đáng suy ngẫm của TS. Trần Đình Thiên - thành viên trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng xung quanh vấn đề xuất khẩu gạo đang được dư luận quan tâm : ”Cách tiếp cận tích cực hơn đến quá trình chính sách - có cuộc sống trong đó và vì cuộc sống của dân, sự phát triển xã hội thì giảm thiểu được nhiều thứ sai lầm, xung đột. Tại thời điểm nhiều thứ "nóng rực" thế này, dễ có những quyết định vội vàng hơn mức cần thiết, do đó có thể không chuẩn, chứa đựng nguy cơ gây tổn thất lớn. Quyết định ngừng xuất khẩu gạo hôm trước được đưa ra trong tình huống "nóng rực" như vậy - có thể chưa dựa đầy đủ trên các lập luận xác đáng. Vì thế, việc Bộ Công Thương đề xuất "lại" là có trách nhiệm và nghiêm túc. Nếu Thủ tướng cân nhắc thêm các yếu tố để có điều chỉnh thích hợp thì quá tuyệt, sẽ giúp tăng thêm uy tín, lợi cho bộ máy và tốt cho việc "sửa" quy trình ra chính sách chứ không hề gây tác dụng ngược".
Tô Văn Trường