Vietstock - Ngành thép Việt Nam hành động để “cứu” thị trường tại Mỹ
Mới đây, Tổng thống Mỹ đã chính thức ra quyết định áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép theo Mục 232 - Đạo luật Thương mại mở rộng cho các nước, miễn trừ Mexico và Canada.
Sản xuất phôi thép tại nhà máy luyện thép. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)
|
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng, Hiệp hội đã tổng hợp và đang tiếp tục có kiến nghị lên các bộ, ngành.
Trong văn bản số 29/CV-HSG/2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen gửi kiến nghị tới Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu mức 25% sẽ tác động lớn tới tình hình xuất khẩu thép của Tập đoàn Hoa Sen nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam nói chung.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, tập đoàn đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam đứng ra làm đầu mối cho các doanh nghiệp có tiếng nói, văn bản tác động đến Chính phủ/Bộ Công Thương/Cục Phòng vệ thương mại và nhanh chóng có giải pháp giúp đỡ ngành thép Việt Nam bảo vệ được thị trường Mỹ. Tập đoàn Hoa Sen cũng sẵn sàng ủng hộ và chia sẻ khó khăn trong quá trình này.
Mặc dù đưa ra mức áp thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép, song Tổng thống Mỹ vẫn để ngỏ khả năng về việc các quốc gia bị áp dụng mức thuế nhập khẩu này có thể yêu cầu được miễn trừ.
Các quốc gia yêu cầu miễn trừ được xem xét dưới hình thức đàm phán/tham vấn song phương, đồng thời cần chứng minh việc xuất khẩu thép sang Mỹ không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Mỹ.
Ông Vũ Văn Thanh cho hay, theo tình hình thực tế, lượng xuất khẩu sản phẩm thép từ Việt Nam chỉ chiếm thị phần không đáng kết trong tổng nhập khẩu thép vào Mỹ, do đó, không thể gây ra hoặc đe dọa thiệt hại cho ngành sản xuất thép của Mỹ. Như vậy, Việt Nam vẫn còn có cơ hội được Mỹ miễn giảm thuế.
Tôn Đông Á cũng là một trong những doanh nghiệp nằm trong Tổ công tác Hiệp hội để ứng phó với Quyết định Mục 232 của Mỹ.
Chia sẻ về việc ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại, Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho hay, Tôn Đông Á có thị trường xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Australia, ASEAN... mà hiện các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đang là thách thức.
Do vậy, phía Tôn Đông Á cho rằng, trong vấn đề sản xuất, cần sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ nhà máy cấp 1, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu-chứng cứ gồm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra... Đồng thời xây dựng quy trình làm việc và lưu trữ hồ sơ chuẩn, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác tích cực với các cơ quan điều tra... để có được kết quả tốt nhất trong việc bảo vệ thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, quyết định áp thuế của Mỹ chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho việc xuất khẩu thép vào Mỹ; trong đó, có hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2017, số thép xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ hơn 500.000 tấn. Đây là một phần rất nhỏ so với tổng sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam là 4,7 triệu tấn, vi thế không có tác động nhiều tới hoạt động sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, thời gian tới khi ngành thép của chúng ta phát triển, nếu phía Mỹ dựng lên hàng rào thuế quan cao như thế này sẽ là điều bất lợi.
Ông Sưa cũng cho rằng, giải pháp căn bản nhất là các doanh nghiệp thép phải liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng quản trị, sản xuất thì mới có thể nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, bao gồm cả về chất lượng, giá cả, dịch vụ, bảo hành...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao sự hiểu biết về thương mại quốc tế, các quy định của WTO, luật pháp của các nước để tránh rủi ro thương mại. Đồng thời cần có sự phân bổ thị trường hợp lý, không nên chỉ tập trung vào một thị trường, để tránh tình trạng sản lượng tăng đột biến, là cái cớ để các nước dựng lên hàng rào thương mại.
Trước đó, sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump sẽ áp thuế suất 25% cho toàn bộ thép nhập khẩu vào Mỹ hồi đầu tháng 3 này, Hiệp hội Thép Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước như Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương... và các doanh nghiệp để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp thép của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trước mắt, Hiệp hội và các doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam thông qua các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Mỹ để đề nghị phía Mỹ không áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nói trên.
Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thép sẽ theo dõi và báo cáo với cơ quan nhà nước thông tin hành động của các quốc gia như phía châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã phản đối yêu cầu Mỹ xem xét về việc không áp dụng biện pháp 232.
Theo Cục Phòng vệ thương mại-Bộ Công Thương, đơn vị này đã theo dõi sát vụ việc ngay từ giai đoạn ban đầu, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ thông tin và ứng phó với vụ việc.
Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, với việc nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam,” đại diện Cục Phòng vệ thương mại khẳng định./
Đức Dũng