Vietstock - Ngành sắn tỷ đô gặp khó vì đói nguyên liệu, bị cạnh tranh gay gắt
Với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, cây sắn đã được Bộ Công Thương đưa vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ năm 2012, có triển vọng đối với mặt hàng tinh bột sắn và sắn lát. Tuy nhiên, hiện ngành sắn đang gặp rất nhiều khó khăn do mất cân đối giữa chế biến, nguồn nguyên liệu và từ thị trường chính là Trung Quốc.
Giảm cả về lượng và giá trị kim ngạch
Theo báo cáo mới đây của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 9/2019 ước đạt 198.000 tấn với giá trị đạt 78 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 9 tháng qua ước đạt 1,54 triệu tấn, giá trị kim ngạch 598 triệu USD.
Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn. Ảnh: T.L |
So với cùng kỳ năm 2018, con số này đã giảm 15,7% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị. Trong đó, xuất khẩu sắn lát đạt 258.000 tấn, tương đương 55 triệu USD, giảm 58,1% về lượng và 58,6% về giá trị so với cùng kì năm trước. Xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,28 triệu tấn và 543 triệu USD, tương đương tăng 5,84% về lượng nhưng giảm 3,89% về giá trị so với cùng kì năm trước.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, chiếm tới 88,6% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng qua đang giảm 7,5% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Trong khi đó, hầu hết các thị trường khác cũng trong tình cảnh ảm đạm, đơn cử như sang Hàn Quốc bị giảm 2,2% về lượng và 3,5% về giá trị; Phillippines giảm 10,7% về lượng và 17,0% về giá trị; Malaysia giảm 18,7% về lượng và 26,2% về giá trị.
Theo phân tích của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân ngành sắn sụt giảm cả về lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu phần lớn là từ thị trường Trung Quốc. Nước này có chính sách giảm lượng ngô tồn kho, đẩy mạnh bán ra, dẫn tới sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn.
Hiện Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thêm 3% từ mức 16% xuống còn 13%, nên làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu qua đường biên mậu.
Trong khi đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng dự báo 3 tháng cuối năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta sang Trung Quốc sẽ gặp canh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn từ Lào, Campuchia.
Khó khăn bủa vây ngành sắn
Hiện, giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 9 tháng đầu năm đạt 388 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kì năm trước. Thêm vào đó, ngành sắn cũng có hi vọng khởi sắc xuất khẩu sang Trung Quốc do sắp vào mùa thu hoạch, nguồn cung sẽ dồi dào hơn mặc dù sản lượng dự kiến giảm so với niên vụ trước (do sản lượng sắn tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ có thể không đạt như dự kiến do khô hạn và dịch bệnh, ước giảm tới 50%).
Đối thủ cạnh tranh thị trường xuất khẩu sắn là Thái Lan cũng đang bị hạn hán và dịch bệnh đe dọa, làm giảm 20% sản lượng niên vụ 2019 – 2020.
Cây sắn tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô (Gia Lai) bị bệnh khảm lá, khiến năng suất sụt giảm. Ảnh: baotintuc |
Đáng chú ý là lượng tồn kho tại các doanh nghiệp của Trung Quốc gần như bằng không. Nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (45%), trong khi Trung Quốc thực hiện kế hoạch mở rộng sử dụng cồn ethanol, đạt 10 triệu tấn đến năm 2020, khiến nhu cầu nhập khẩu sắn tăng gấp đôi (ước tính tỷ lệ 2-2,3 kg sắn cho 1 lít ethanol).
Mặc dù vậy, khó khăn đối với ngành sắn của Việt Nam vẫn đầy rẫy khi nội bộ ngành đang gặp mâu thuẫn giữa các nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu.
Về bức tranh chung của ngành sắn hiện nay, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, cả nước đang có 13 nhà máy cồn sinh học với công suất 1.067,7 triệu lít/năm và 66 nhà máy chế biến tinh bột với công suất trên 100 tấn bột khô/ ngày, cùng hơn 2.000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, một số dự án lớn sản xuất Ethanol thua lỗ và sản xuất cầm chừng, do không đủ nguyên liệu để sản xuất.
Hiệp hội Sắn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nguyên liệu là do phần lớn các nhà máy không đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí tạo ra xung đột trong việc thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao.
Đơn cử như tại tỉnh Cao Bằng, Công ty CP Khánh Hạ (đầu tư Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng) từng phải gửi công văn kêu cứu lên lãnh đạo tỉnh hồi cuối năm 2018. Nguyên nhân là do từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy liên tục thiếu nguyên liệu sản xuất. Công suất thiết kế nhà máy khoảng 480 tấn củ sắn/ngày, tương đương gần 60.000 tấn củ cho 4 tháng sản xuất (trong thời gian thu hoạch sắn). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2018, mỗi vụ sản xuất, nhà máy chỉ thu mua được 5.000-15.000 tấn sắn.
Bất cập ở chỗ, nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất, còn người nông dân trồng sắn vẫn có thu nhập rất thấp do giá mua sắn củ bấp bênh. Ở nhiều nơi như Tây Ninh, Gia Lai, cây sắn còn bị dịch bệnh tấn công dữ dội, khiến năng suất giảm, người dân chán nản đành phá bỏ sắn để trồng cây khác.
Theo Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích sắn sẽ giảm dần xuống còn 450.000 ha vào năm 2020; thâm canh sắn để đạt sản lượng khoảng 11 triệu tấn làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học. Do cây sắn có lợi thế thấp so các cây trồng nông nghiệp khác, chủ yếu trồng ở vùng đất dốc, xói mòn đất cao, vì vậy ngành nông nghiệp cũng định hướng không tăng diện tích sắn mà tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến. |
Thiên Hương