Vietstock - Trung Quốc và Ấn Độ muốn mua thêm dầu Mỹ để làm giảm sức ảnh hưởng của OPEC?
Hai quốc gia mua dầu thô nhiều nhất của châu Á đang xem xét chung tay mua dầu thô từ Mỹ với mục tiêu làm giảm sức ảnh hưởng của OPEC trong thị trường dầu lớn nhất trên thế giới.
Ấn Độ và Trung Quốc đang bàn luận về các cách thức để thúc đẩy nhập khẩu dầu thô từ Mỹ sang châu Á, một động thái nhằm giảm mức độ lệ thuộc vào lượng dầu từ các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), theo lời của một quan chức Chính phủ Ấn Độ. Hai quốc gia này muốn gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất OPEC để giữ giá dầu trong tầm kiểm soát, quan chức này cho biết ở New Delhi trong ngày thứ Tư (13/06) – yêu cầu không công khai danh tính vì đây là chính sách nội bộ.
Khả năng hợp tác giữa hai quốc gia mua dầu lớn sẽ tạo ra một thách thức khác dành cho OPEC – vốn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh thị phần ở châu Á trước dòng chảy dầu từ vùng Vịnh Mexico và khu vực sản xuất dầu đá phiến Texas (Mỹ). Chưa hết, nhóm này cũng đang phải đấu tranh nội bộ vì những quan điểm khác biệt: Ả-rập Xê-út ủng hộ nới lỏng giới hạn sản lượng – đã được thực hiện từ đầu năm 2017 – sau khi họ đạt được mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu, trong khi Iran, Iraq và Venezuela phản đối việc nâng sản lượng.
“Sự đa dạng hóa nguồn cung dầu sẽ tạo lợi ích cho cả Ấn Độ và Trung Quốc bằng cách gia tăng tính cạnh tranh giữa các nhà sản xuất dầu”, Abhishek Kumar, Chuyên gia phân tích tại Interfax Global Energy ở Luân Đôn, cho hay. “Mua dầu ở giá thấp nhất là điều quan trọng đối với hai quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng ở châu Á này”.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm cả Nga, đã giúp giá dầu phục hồi trở lại từ cú đổ đèo mạnh nhất trong một thế hệ, qua đó gây áp lực lên một số quốc gia tiêu thụ nhiều dầu. Tháng trước, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 sau khi việc Mỹ quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran đã tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu dầu từ nước này và sản lượng của Venezuela giảm mạnh vì cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Tháng trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, Dharmendra Pradhan, bày tỏ lo ngại với Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út – Khalid Al-Falih – về đà tăng của giá dầu thô và tác động tiêu cực của nó tới người tiêu dùng và nền kinh tế Ấn Độ. Đơn vị giao dịch thuộc công ty lọc dầu lớn nhất của Trung Quốc đã cắt nguồn cung từ nhà sản xuất lớn nhất OPEC, Ả-rập Xê-út, trong vài tháng gần đây, vì mức giá dầu đắt đỏ của quốc gia Trung Đông này.
Liên minh mua dầu
Liên minh mua dầu này lúc đầu có thể bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, và sau đó, có lẽ Hàn Quốc và Nhật Bản – cũng là những quốc gia mua dầu lớn – sẽ tham gia vào, vị quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết trong ngày thứ Tư (13/06). Mặc dù các quốc gia OPEC vẫn là những nhà cung ứng chủ chốt tới châu Á, ngày càng nhiều nhà nhập khẩu lớn ở châu Á chuyển sang nhập khẩu dầu thô Mỹ, sau khi lệnh cấm lên hoạt động xuất khẩu Mỹ (kéo dài tới 4 thập kỷ) được gỡ bỏ vào cuối năm 2015.
Bộ Thương mại Trung Quốc không lập tức bình luận về vấn đề đó. Masato Sasaki, người đứng đầu Bộ phận dầu khí của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho hay ông không hề biết được về các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Trung Quốc và cũng không nhận được bất kỳ lời mời tham gia vào liên minh này.
Wang Yilin, Chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – công ty năng lượng lớn nhất tại nước này, đã gặp gỡ Chủ tịch của công ty lọc dầu Indian Oil ở Bắc Kinh và nói về việc tăng cường hợp tác về lĩnh vực dầu khí, dựa theo một bài đăng trên trang web của CNPC trong ngày 11/06.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ trích OPEC trước cuộc họp chính sách quan trọng vào tuần tới.
“Giá dầu quá cao, OPEC lại nhắm đến nó một lần nữa. Không tốt!”, ông Trump tweet vào buổi sáng ngày thứ Tư (13/06 – giờ địa phương).
Mỹ được cho là đã kêu gọi Ả-rập Xê-út và các thành viên khác của OPEC nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày để giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)