Vietstock - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Thiếu điện tháng 5, tháng 6 mang lại bài học lớn
Tại buổi tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS (HN:PGS).TS.) Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đã có những chia sẻ về bài học rút ra từ đợt thiếu điện cao điểm mùa hè 2023.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi về bài học rút ra trong công tác cung cấp, điều tiết điện sau khi diễn ra tình trạng thiếu điện cục bộ, đặc biệt là trong những tháng hè tại miền Bắc, cùng các bài học kinh nghiệm từ những quốc gia khác.
Trước câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định điện là một mặt hàng hóa đặc biệt có tầm quan trọng đối với ngành kinh tế quốc dân. Để cho một nền kinh tế phát triển, cần xác định điện phải đi trước một bước.
PGS.TS. Ngô Trí Long. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
“Nguồn tiềm năng về điện của chúng ta không thiếu, thủy điện, năng lượng tái tạo, có tất cả điều kiện để phát triển. Nhưng thời gian vừa qua, đặc biệt năm 2013, thời điểm tháng 5 và tháng 6, chúng ta thiếu điện cục bộ”, trích lời PGS.TS. Ngô Trí Long.
“Có mấy nguyên nhân dẫn đến thiếu điện cục bộ. Thứ nhất là do hiện tượng thủy văn không đáp ứng được nguồn cung ứng điện cho thủy điện. Trong nguồn điện của chúng ta, đặc biệt với miền Bắc, có 2 nguồn quan trọng là nguồn thủy điện và nguồn nhiệt điện. Thế mà nguồn thủy điện do ảnh hưởng của thủy văn nên nước không đủ cung cấp.
Còn đối với nhiệt điện, do sự cố cũng như một số hiện tượng dẫn đến thiếu điện. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng là cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm nắng nóng cục bộ, nhu cầu điện tiêu tốn. Từ những vấn đề đó dẫn đến hiện tượng thiếu điện”.
Vị chuyên gia nhận định, trong đầu tư một số nguồn điện, giá là một điểm nghẽn rất quan trọng. Điện là một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quy định giá. Hiện nay trên thị trường năng lượng có 2 mặt hàng hết sức quan trọng với vấn đề an ninh năng lượng là điện và xăng dầu, và đều do Nhà nước quy định giá.
“Đối với ngành điện, Chính phủ hết sức quan tâm, luôn coi trọng điện là một nguồn đầu vào quan trọng, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế. Nhưng điều hành giá điện ngoài theo cơ chế thị trường, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước.
Vậy Nhà nước cần phải điều tiết ở chỗ nào? Thứ nhất điều tiết ở chính sách an sinh xã hội, thứ hai nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, việc điều tiết giá điện có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, cũng như các bộ ngành có liên quan”.
Tại sao thiếu điện?
Câu hỏi đặt ra là với sự chỉ đạo sát sao như vậy, tại sao nguồn cung ứng điện vẫn thiếu cục bộ trong tháng 5 và tháng 6?
“Ở đây, chúng ta thấy được một bài học rất lớn: Phải đẩy nhanh tiến độ nhưng nếu chỉ trên nóng mà dưới còn lạnh thì không thể triển khai được dù Thủ tướng và Chính phủ hết sức quyết tâm. Vướng mắc phải xem nguyên nhân từ đâu, nguyên nhân chủ quan, khách quan”, TS. Long chia sẻ.
“Vấn đề thứ hai là đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. Chúng ta thấy nguồn nhiệt điện chiếm tỉ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế, có mức độ, chúng ta phải nhập. Cho nên chúng ta phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc.
Đặc biệt, trong vấn đề điều độ vận hành hệ thống điện. Hệ thống A0 trước kia thuộc EVN, như trong một trận đá bóng, trọng tài thuộc về đội đó thì có nên hay không? Cho nên vừa qua, Chính phủ có quyết định sáng suốt chuyển A0 về Bộ Công Thương”.
Châu An