VNDirect cho rằng, rất khó đạt được mục tiêu ban đầu là giải ngân 16.000 tỷ đồng trên quy mô 40.000 tỷ đồng vào năm 2022. Gói cấp bù lãi suất 2% nằm trong gói kích cầu kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Quy mô hỗ trợ lên đến 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Có khoảng 10 nhóm ngành chính sẽ được hỗ trợ, bao gồm hàng không; du lịch; vận chuyển và kho bãi; nông, lâm, ngư nghiệp; và sản xuất.
Theo NHNN, ước tính đến hết tháng 9/2022, gói này mới giải ngân được 13,5 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân cho năm 2022.
Tuy nhiên, việc triển khai gói bù lãi suất diễn ra chậm hơn dự kiến và các chuyên gia tại VNDirect cho rằng, rất khó đạt được mục tiêu ban đầu là giải ngân 16.000 tỷ đồng trên quy mô 40.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Do đó, gói cấp bù lãi suất này ít tác động đến lãi suất cho vay trong năm nay.
VNDirect cho hay, cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãisuất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay.
Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động.
Do vậy, các chuyên gia tại VNDirect dự báo lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 60-80 điểm cơ bản (bình quân) trong năm 2023.
Khó khăn bủa vây
Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cần quy định rõ tỉ lệ, chỉ tiêu giải ngân cho các doanh nghiệp SMEs, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất vì họ là các đối tượng rất cần được hỗ trợ lúc này. Phía NHNN cũng cần nêu nhóm đối tượng doanh nghiệp được cấp tín dụng cụ thể hơn.
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng tăng cao trong bối cảnh thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) gặp nhiều khó khăn và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, mặc dù tiến độ triển khai gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng, nhưng các ngân hàng cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất bằng cách đơn giản hoá thủ tục cho vay; chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ…
Đại Biểu Quốc Hội kiến nghị nới room tín dụng với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tại về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 chiều 27/10, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, trước Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đồng thời, tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn triển khai Nghị định đảm bảo tính khả thi.
Tuy nhiên, đại biểu thẳng thắn chỉ ra rằng, tới nay gần 4 tháng triển khai doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.500 tỷ với gần 600 khách hàng. Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết.
Nhìn nhận những nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay như phải có lãi ròng ba năm liên tiếp.
Trong khi doanh nghiệp đã hai năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19; với tiêu chí xét duyệt các gói hỗ trợ chủ yếu lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn, tài chính tốt, có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính; có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp.
Trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Ngoài các vướng mắc trên, khách hàng e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này bởi sau này sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Mặt khác, các ngân hàng ngần ngại khi một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây còn chưa được quyết toán, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất này sẽ gây nhiều hệ lụy.
Trước thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai nghị quyết trên.
Cụ thể, huy động các tổ chức tài chính vi mô vào cuộc trong việc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh. Mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn bởi có những doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực nên khi xét duyệt không đủ điều kiện.
Bên cạnh đó hỗ trợ lãi suất các đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với các nhóm doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt để dòng tiền không đi vào khu vực phi sản xuất kinh doanh để giải quyết được cơn khát vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.
Chính thức: Ba ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi