Vietstock - Điều hành giá xăng dầu: Từ 'đá bóng' trách nhiệm đến bản lĩnh Bộ trưởng...
Việc cả 2 Bộ Công Thương và Tài chính liên tục có những phát ngôn, văn bản qua lại đề xuất “nhường quyền điều hành” xăng dầu khiến doanh nghiệp, người dân ví việc điều hành xăng dầu như “quả bóng” để hai bộ đá qua đá lại, tránh phải chịu trách nhiệm trong tình huống nhạy cảm và khó khăn.
Khi hai bộ ‘lời qua, ý kiến lại”
Những lời qua, ý kiến lại gây xôn xao dư luận những ngày qua giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong việc "nhường" quyền điều hành chính giá xăng dầu xuất phát từ việc Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án khác nhau trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu liên quan đến việc phân vai của các bộ ngành. Cụ thể:
Phương án 1, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên nhiệm vụ của các bộ. Cụ thể, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu nhằm đảm bảo có sự giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ.
Phương án 2, dự thảo đề xuất đưa việc điều hành giá, tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu giao về Bộ Tài chính làm đầu mối.
Phương án 3, dự thảo đề xuất giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối chính. Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ, việc này sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ và làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện việc tính toán chi phí, giá cơ sở…
Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án 2, giao toàn bộ việc điều hành giá và tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính. Bộ Công Thương sẽ cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đề xuất chuyển quyền điều hành xăng dầu về Bộ Tài chính được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá là hoàn toàn bình thường, khi trước năm 2014, việc điều hành giá xăng dầu được giao cho Bộ Tài chính thực hiện.
Người dân xếp hàng dài chờ mua xăng tại cây xăng Petrolimex (HM:PLX) 185 Nguyễn Lương Bằng-Hà Nội chiều 21/10 khi nguồn cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Như Ý). |
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương nêu ý kiến, lập tức Bộ Tài chính đã có văn bản từ chối và khẳng định “nhường” trách nhiệm điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương.
Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng công khai trả lời báo chí về những lý do giao quyền điều hành cho Bộ Công Thương. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, một số nhiệm vụ thuộc điều hành giá xăng dầu như: Giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; rà soát tính toán, công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở… nên thống nhất giao về một đầu mối là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Cũng rất nhanh, chỉ vài ngày sau khi nhận được phản hồi, Bộ Công Thương lập tức bổ sung, rút lại đề xuất và đề nghị Chính phủ giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý đối với xăng dầu. Tinh thần của bản dự thảo sửa đổi tập trung vào việc không có chuyện chỉ một bộ đứng ra điều hành, làm thay nhiệm vụ, chức năng của bộ ngành khác. Việc điều hành cần sự phối hợp nhịp nhàng của các bên liên quan.
Việc rút đề xuất chuyển đầu mối phụ trách điều hành xăng dầu về Bộ Tài chính của dự thảo mới cũng chính thức chấm dứt các "tranh cãi" về việc chuyển quyền điều hành giá xăng dầu từ Bộ Công Thương về Bộ Tài chính.
Không thể né trách nhiệm
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc hai bộ có văn bản và ý kiến qua lại khi góp ý dự thảo sửa đổi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những cách truyền thông điệp đang cho thấy dường như chưa có sự thống nhất quan điểm, bàn bạc kỹ lưỡng giữa các bên trong việc phân vai điều hành.
Cũng phải thừa nhận, điều hành xăng dầu trong bối cảnh có quá nhiều dị biệt của năm 2022 và dự báo lan tiếp sang cả năm 2023 là nhiệm vụ rất khó. Cả Bộ Tài chính và Công Thương đều nhận được lời phê từ dư luận liên quan đến việc chậm điều hành theo từng vai của mình trong năm qua khi trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, điều chỉnh chi phí định mức cho doanh nghiệp. Cũng không thể nói cả hai bộ không có lỗi khi tình trạng đứt nguồn cung diễn ra trên diện rộng.
Bằng chứng là sau 7 tháng liên tiếp có nhiều văn bản qua lại giữa hai bộ, ngày 7/10/2022, Bộ Tài chính mới đồng ý cho điều chỉnh tăng chi phí premium trong nước (phí phải trả cho nhà cung cấp) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng.
Một tháng sau đó, khi nguồn cung xăng dầu vẫn gặp khó khăn, chiều 8/11/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 11575 gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Việc gỡ nút thắt về chi phí của Bộ Tài chính vào phút cuối đã khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu bức xúc do không còn nguồn lực để nhập hàng, đảm bảo dự trữ vì bị thua lỗ rất lớn.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc cùng phải thực hiện nhiệm vụ chung với sự giám sát của Chính phủ sẽ là thước đo hiệu quả và cũng là bài thuốc hữu hiệu nhất đối với việc ‘đá bóng’, ‘nhường’ quyền điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Công Thương gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Thực tế cho thấy, câu chuyện quan trọng nhất với thị trường xăng dầu chính là công tác dự báo, phối hợp điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian tới làm sao cho sát với thực tiễn. Cùng đó, tính toán chi phí của cơ quan quản lý cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp tính đủ chi phí, có lãi và không còn cảnh doanh nghiệp phải mang tiền nhà ra bán bù lỗ. Chỉ khi doanh nghiệp không bị lỗ, những lỗ hổng trong điều hành cùng được Bộ Tài chính và Công Thương chung tay xử lý, những ‘điều tiếng’ về việc né trách nhiệm bằng cách ‘ủn’ toàn bộ quyền điều hành giữa hai bộ cũng sẽ không còn.
Việc không rút lui khỏi "chiến tuyến" hay "đẩy việc" sang nơi khác là yêu cầu được đặt ra với cả hai bộ, cũng thể hiện được bản lĩnh, độ chuyên nghiệp của chính người đứng đầu của cả hai Bộ Tài chính và Công Thương lúc này. Khi các bộ làm hết vai, hết trách nhiệm, sự bình ổn với thị trường xăng dầu sẽ trở lại. Nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp cũng sẽ bớt khổ khi thị trường không còn những xáo trộn bất ngờ.
Phạm Tuyên