Vietstock - Giá xăng dầu hạ nhiệt giúp lạm phát dịu lại
Một trong những thông tin tích cực trong những ngày gần đây là giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thực phẩm có dấu hiệu đi xuống, làm dấy lên hy vọng lạm phát sẽ dịu bớt.
Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu thế giới suy yếu kể từ giữa tháng 6 đến nay, kết hợp với nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm trên thị trường hạ nhiệt giúp cuộc sống người dân và việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bớt khó khăn.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu hạ nhiệt còn tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước dễ thực thi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Với việc năm lần giảm liên tiếp khiến giá xăng rớt xuống mốc 24.000 đồng/lít, từ đó kỳ vọng hạ nhiệt lạm phát. Trong ảnh: Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu hạ nhiệt. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Giảm sức ép
Sau năm lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, ông Anh Tú, chủ một công ty vật liệu xây dựng tại TP.HCM, cảm thấy việc kinh doanh dễ thở hơn. Trước đó, giá xăng dầu liên tục leo thang, khiến ông phải chuyển một phần giá tăng cho khách hàng thông qua sản phẩm. Nhưng khi giá sản phẩm hàng hóa quá cao, khách hàng bắt đầu ngừng mua hàng, dẫn đến việc kinh doanh đình đốn.
“Tôi đã nghĩ đến chuyện sa thải bớt nhân viên, thậm chí đóng cửa một số cửa hàng nếu giá xăng tiếp tục tăng cao. Nhưng rất may, hiện giá xăng dầu giảm mạnh so với thời điểm trước, giúp chi phí của đội xe vận chuyển của chúng tôi giảm theo. Điều này cho phép chúng tôi giảm giá bán sản phẩm cho khách để tăng sức mua, cạnh tranh trên thị trường” - ông Tú chia sẻ.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá nỗ lực ổn định giá xăng dầu của Nhà nước thông qua giảm một số loại thuế như thuế bảo vệ môi trường đang giúp rất nhiều cho nền kinh tế và người dân. Ví dụ, khi giá xăng giảm mạnh, hàng triệu người lái xe, người dân chứng kiến hóa đơn mua xăng dầu của họ giảm mạnh. Đặc biệt, xăng dầu giảm giá thì chắc chắn nhiều loại hàng hóa, dịch vụ sẽ phải hạ giá thành sản phẩm, từ đó góp phần giảm gánh nặng cho ví tiền của người tiêu dùng.
Giá xăng dầu giảm không chỉ tác động tích cực tại Việt Nam mà còn đang giúp lạm phát của Mỹ giảm tốc, giúp thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Điều này không chỉ tác động đến thị trường thế giới mà còn tác động đến các công ty Việt.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Sài Gòn, cho biết thời gian gần đây, hàng xuất khẩu Việt gặp rất nhiều khó khăn do các nước Mỹ, châu Âu đối diện với lạm phát tăng cao vì giá năng lượng tăng quá mạnh. Hệ quả là người tiêu dùng các nước buộc phải giảm chi tiêu, dẫn đến hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
“Với việc giá năng lượng giảm giúp lạm phát tại các nước hạ nhiệt, trong thời gian tới hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng tốc trở lại. Nguyên nhân do thu nhập thực tế của người tiêu dùng Mỹ tăng lên, tạo ra mức chi tiêu cao hơn và không phải tiết kiệm, dè sẻn như trước” - ông Long dự báo.
Mở ra nhiều cơ hội
TS Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhận định chỉ số giá cả tiêu dùng tháng 7 vừa qua tại Việt Nam chỉ tăng 0,7% so với tháng trước, do giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm trong bối cảnh giá dầu thô đi xuống và thuế được cắt giảm. Nhờ đó áp lực lạm phát năm có thể không quá lớn. Bên cạnh đó, dự trữ dầu Mỹ tăng trở lại trong khi nhu cầu yếu đi vì lo ngại suy thoái kinh tế. Khi lạm phát hạ nhiệt ở các nước cũng giúp nguyên vật liệu nhập cũng giảm giá, từ đó sẽ hỗ trợ cho kinh doanh, góp phần hạ giá cả trong nước xuống.
“Lạm phát dịu đi sẽ mở ra cơ hội khác là Chính phủ tự tin hơn trong việc không phải thắt chặt tiền tệ như nhiều nước cũng như điều hành kinh tế vĩ mô không quá phức tạp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” - ông Thành phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho rằng lạm phát hạ nhiệt giúp giá trị tiền đồng tốt lên vì giá trị tiền tệ của một quốc gia có lạm phát cao sẽ giảm so với đồng tiền của quốc gia có lạm phát thấp. Ngoài ra, lạm phát giảm sẽ mang lại tỉ suất sinh lợi thực tế tốt hơn cho người gửi tiết kiệm.
“Lạm phát cao có xu hướng không tốt cho cổ phiếu vì nó làm tăng chi phí đi vay khi các ngân hàng tăng lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát nhẹ lại tốt cho chứng khoán vì nó là dấu hiệu của một nền kinh tế đang phát triển lành mạnh” - ông Hải cho biết.
Vẫn đối diện nhiều rủi ro
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, dù giá xăng dầu trong nước đang trên đà giảm trong thời gian gần đây nhưng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường vẫn còn đang ở mức cao. Mặt khác, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể.
“Điều này tiếp tục gây ra thách thức cho DN và giá thành sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn còn đang ở mức cao và tạo áp lực lên năng lực chi tiêu cá nhân” - cơ quan trên nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh dù đang trên đà phục hồi khá tốt nhưng bối cảnh thế giới lẫn trong nước vẫn còn đang diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều thách thức. Ví dụ, khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; cung và cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất; các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để…
Để ứng phó trước những khó khăn trên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh: Dù giá xăng dầu giảm giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn cần tính toán các biện pháp chặn đà tăng giá xăng dầu trở lại trong bối cảnh tình hình năng lượng vẫn còn phức tạp; tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, duy trì một mức lạm phát chấp nhận được để giữ lãi suất không tăng, qua đó duy trì sự phục hồi cho DN.
“Đặc biệt cần đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá, tránh tình trạng găm hàng, gom hàng, buôn lậu… gây bất ổn thị trường và đẩy mặt bằng giá lên. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia để chống lạm phát hiệu quả hơn” - TS Lực khuyến nghị.
PHƯƠNG MINH