Vietstock - Giá vàng ngày 7.1.2022: Thế giới lao dốc nhưng trong nước giảm nhỏ giọt
Giá vàng sáng 7.1 tiếp đà đi xuống trên thị trường quốc tế nhưng trong nước giảm không đáng kể nên SJC lại cao hơn đến 12 triệu đồng/lượng.
Sáng 7.1, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào là 60,72 triệu đồng/lượng và bán ra 61,42 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng so với hôm qua. Tương tự, Eximbank (HM:EIB) giảm 20.000 đồng, xuống còn mua vào là 60,8 triệu đồng/lượng và bán ra là 61,2 triệu đồng/lượng…
Vàng miếng trong nước lại cao hơn thế giới 12 triệu đồng/lượng. Ngọc Thắng |
Giá vàng thế giới đã lao dốc rớt khỏi mốc 1.800 USD/ounce vào cuối ngày 6.1. Đầu ngày 7.1, kim loại quý tiếp tục đi xuống và còn 1.791 USD/ounce, giảm hơn 20 USD so với sáng hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank (HM:VCB), giá vàng thế giới hiện tương đương gần 49,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy mỗi lượng vàng SJC đang cao hơn thế giới ở mức kỷ lục là 12 triệu đồng.
Biên bản cuộc họp tháng 12.2021 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm qua cho thấy ngân hàng trung ương đang sẵn sàng loại bỏ các biện pháp trợ lực kinh tế nhanh hơn dự kiến. Điều này thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến lên mức cao 1,75% sau khi kết thúc năm 2021 ở mức 1,51%. Đồng thời, đồng USD tiếp tục leo lên mức cao nhất trong 14 tháng gần đây và đã đẩy giá vàng đi xuống.
Theo Nikkei Asian Review, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tăng nắm giữ vàng, nâng tổng số vàng trong kho dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất trong vòng 31 năm. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong thập kỷ qua, các ngân hàng trung ương dự trữ hơn 4.500 tấn vàng. Tính đến tháng 9.2021, tổng dự trữ đạt khoảng 36.000 tấn, lớn nhất kể từ năm 1990 và tăng 15% so với một thập kỷ trước đó. Giá trị của đồng USD đã sụt giảm mạnh so với vàng trong 10 năm qua đã khiến nhiều quốc gia chuyển sang dự trữ bằng kim loại quý. Nguyên nhân là các chính sách nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn đã thúc đẩy nguồn cung tiền của Mỹ. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ và dự kiến bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022. Nhưng ngân hàng trung ương của những nền kinh tế mới nổi cũng đang cố gắng hạn chế hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD và có khả năng tiếp tục chuyển từ dự trữ đồng USD sang vàng...
An Yến