Vietstock - Giá dầu thế giới vọt 4% sau xung đột Israel-Hamas
Giá dầu tăng mạnh sau khi nhóm vũ trang Hamas, một lực lượng Hồi giáo Palestine đang kiểm soát dải Gaza, mở một cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn vào Israel trong ngày 07/10.
Giá dầu Brent tương lai tăng 4.53% lên 88.41 USD/thùng, còn dầu WTI tương lai tiến 4.32% lên 86.37 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu WTI
|
Vào rạng sáng ngày 07/10, ngay ngày lễ lớn của người Do Thái, nhóm vũ trang Hamas đã phát động cuộc tấn công vào Israel qua đường bộ, đường biển và đường hàng không. Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi hàng ngàn quả tên lửa được phóng từ Gaza vào Israel.
Theo số liệu từ hãng tin Reuters sáng 9/10, cuộc tấn công của Hamas đã khiến khoảng 700 người Israel thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt cóc. Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel nhằm vào Hamas đã khiến hơn 300 người thiệt mạng. Chưa kể, mỗi bên còn có hàng ngàn người khác bị thương.
Trước đó, Vandana Hari, CEO của công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights, nhận định: "Giá dầu sẽ tăng vọt khi các thị trường mở cửa trở lại vào ngày thứ Hai. Sự gia tăng của phần bù rủi ro là mặc định, cho tới khi thị trường tin rằng sự kiện này không mở màn cho một phản ứng dây chuyền và nguồn cung dầu khí ở Trung Đông không bị ảnh hưởng”, CEO Vandana Hari của công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights nhận định với hãng tin CNBC.
Phản ứng tạm thời?
Giá dầu thô tăng vọt, nhưng các nhà phân tích tin rằng đây chỉ có một phản ứng tức thời và có thể không kéo dài lâu.
“Để xung đột này có tác động lớn và kéo dài với thị trường dầu thì nguồn cung dầu hoặc việc vận tải dầu phải suy giảm kéo dài”, Vivek Dhar, Giám đốc phụ trách nghiên cứu mảng khai khoáng và năng lượng, chia sẻ.
“Nếu không, như lịch sử đã chứng minh, những phản ứng tích cực của giá dầu thường diễn ra trong thời gian ngắn và dễ bị lấn át bởi các yếu tố khác trên thị trường”, ông viết, đồng thời nói thêm xung đột này không tác động trực tiếp tới nguồn cung dầu.
Cả Palestine lẫn Israel đều không phải là “tay chơi” lớn trên thị trường dầu. Israel có hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất gần 300,000 thùng/ngày. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), quốc gia này gần như không sản xuất dầu thô và các sản phẩm khí ngưng tụ. Tương tự, Palestine cũng không sản xuất dầu, dữ liệu từ EIA cho thấy.
Tuy vậy, ông Hari cho rằng điều đáng ngại là xung đột này diễn ra ở vùng Trung Đông - "vựa" dầu mỏ của thế giới.
Ông Hari nhấn mạnh rằng xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất hay cung cấp dầu, nhưng “nằm ở cửa ngõ của một vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng”.
“Ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ hạn chế trừ phi xung đột nhanh chóng lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực, với sự dính líu của Mỹ, Iran và các quốc gia khác ủng hộ các bên liên quan trong cuộc chiến”, giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy, ông Iman Nasseri, nhận định.
Nhà quản lý quỹ phòng hộ người Pháp Pierre Andurand nhận định trên Twitter rằng nơi xảy ra xung đột không phải là một vùng sản xuất dầu lớn, nên sẽ không có ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Andurand cho rằng tồn kho dầu toàn cầu đang ở mức thấp và liên minh OPEC+ đang hạn chế sản lượng dầu, nên lượng dầu tồn kho có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới.
“Thị trường có thể sẽ đến lúc kêu gọi Ả-rập Xê0út bơm nhiều dầu hơn, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu giá dầu Brent còn ở dưới mốc 110 USD/thùng”, ông Andurand viết trên mạng xã hội X.
Vũ Hạo (Theo CNBC)