Vietstock - “Gã khổng lồ” năng lượng Đức lỗ lịch sử 40 tỷ EUR
Uniper vừa ghi nhận một trong những khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động, 40 tỷ EUR, nguyên nhân là Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt khiến tập đoàn năng lượng khổng lồ này phải chật vật để tồn tại.
Uniper báo cáo khoản lỗ ròng khoảng 40 tỷ EUR (39.3 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm nay do buộc phải mua khí đốt với giá cao hơn nhiều mức giá mà họ trả cho Nga theo các hợp đồng dài hạn. Đây là một trong những công ty năng lượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Uniper đang yêu cầu chính phủ Đức ban hành gói cứu trợ khổng lồ cho họ, một động thái sẽ dẫn tới việc quốc hữu hoá tập đoàn năng lượng này vào cuối năm 2022.
Giám đốc tài chính của Uniper Tiina Tuomela cho biết: “Uniper bị thua lỗ lớn vì chi phí mua nguồn cung khí đốt thay thế không được chuyển sang người tiêu dùng”. Uniper cho biết khoản lỗ trên bao gồm 10 tỷ EUR chi phí mua nguồn khí đốt thay thế và khoảng 31 tỷ EUR lỗ dự kiến trong tương lai.
Giá cổ phiếu của Uniper đã giảm 93% kể từ đầu năm 2022 đến nay tại Frankfurt.
Uniper được cho là sẽ nhận được gói viện trợ trị giá 30 tỷ EUR sau khi mất hàng triệu EUR mỗi ngày để mua nguồn cung khí đốt đắt đỏ nhằm thực hiện hợp đồng với khác hàng. Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, sự tồn tại của Uniper được coi là điều cần thiết cho hệ thống năng lượng của nước này, và việc tập đoàn này thất bại sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với ngành năng lượng của khu vực.
“Quy mô của gói hỗ trợ tương đương với vốn hoá thị trường của Uniper trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của tập đoàn với nguồn cung khí đốt của Nga. Chúng tôi kỳ vọng các công ty khác không phải vật lộn như Uniper khi họ tìm cách thay thế nguồn cung từ Nga”, Patricio Alvarez, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết.
Chi tiết về gói hỗ trợ đang được hoàn thiện, Uniper cho hay. Tuy nhiên, theo giới phân tích, gói cứu trợ 30 tỷ EUR có thể không đủ để cứu Uniper. Song, Thứ trưởng Bộ Tài chính Florian Toncar khẳng định chính phủ sẽ đảm bảo rằng Uniper có thể nhận được nguồn tài chính cần thiết để hoạt động.
Giá khí đốt tại châu Âu giao dịch ở khoảng 135 EUR/MWh tại Amsterdam trong phiên 03/11, giảm từ mức đỉnh hơn 300 EUR vào tháng 08/2022.
Ông Alvarez cho biết: “Trong kịch bản giá khí đốt 80 – 100 EUR/MWh, Uniper có thể mất 4 - 5 tỷ EUR mỗi quý, điều này cho thấy họ cần phải tăng vốn nhiều hơn và thanh khoản phải được bổ sung tương đối sớm”.
Nợ ròng kinh tế của Uniper tăng lên 10.9 tỷ EUR trong 9 tháng đầu năm nay do dòng tiền bị “bốc hơi” khi chi phí mua khí đốt cao kỷ lục.
Uniper cho biết tập đoàn dự kiến thu nhập ròng đã điều chỉnh sẽ bị âm đáng kể trong cả năm nay. Công ty không thể đưa ra một triển vọng cụ thể do không chắc chắn về lượng khí đốt mà họ thực sự nhận được cũng như mức giá trong tương lai.
Kim Dung (Theo Bloomberg)