Vietstock - Hà Nội và 6 tỉnh thành đề nghị trả ‘khoản vay lại’ hơn 1.500 tỷ đồng
Có 7 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại với tổng số tiền 1.547,7 tỷ đồng, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa. Riêng tỉnh Bắc Kạn đề nghị trả nợ vay lại trước hạn 33,6 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường |
Chiều 28/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 được Quốc hội quyết định hơn 28.636 tỷ đồng, trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8, có 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 1 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt.
Trong đó, có 8 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 234,8 tỷ đồng là các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định, Trà Vinh.
Ngược lại, có 7 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 1.547,7 tỷ đồng, gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa. Có 1 địa phương là Bắc Kạn đề nghị trả nợ vay lại trước hạn 33,6 tỷ đồng.
Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận nội dung nêu trên. Đồng thời kiến nghị xem xét giao UBND 8 tỉnh, thành phố muốn điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 nêu trên cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, nội dung Chính phủ trình về điều chỉnh dự toán NSNN năm 2022 là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, vì vậy, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Với kiến nghị điều chỉnh tăng dự toán vay năm 2022 của 8 địa phương với mức tăng thêm 234,8 tỷ đồng, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chậm, không kịp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Ông Cường cũng cho rằng, việc điều chỉnh tại thời điểm cuối năm cần xem xét tính khả thi của việc giải ngân vốn trong năm ngân sách không, tránh điều chỉnh bổ sung nhưng không kịp thực hiện, lại hủy dự toán.
Về đề nghị giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, theo cơ quan thẩm tra, thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh là không thực sự cần thiết, đề nghị hủy dự toán theo quy định của pháp luật. Chính phủ cần đánh giá kỹ và chịu trách nhiệm về việc giải ngân khi đề nghị điều chỉnh.
Luân Dũng