Vietstock - Dầu WTI giảm hơn 5% xuống thấp nhất kể từ tháng 12/2021
Giá dầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (15/3), khi nhà đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu WTI sụt hơn 5% xuống 67.61 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Hợp đồng dầu Brent mất 4% còn 74.36 USD/thùng.
Ed Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng thặng dư trong nửa đầu năm nay, nhưng điều đó sẽ thay đổi miễn là chúng ta không thấy một sai lầm chính sách lớn nào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây ra suy thoái nghiêm trọng. Hiện giờ giá dầu WTI dao động gần mức giữa 60 USD/thùng, đà lao dốc giá dầu WTI phụ thuộc vào bức tranh vĩ mô trở nên tồi tệ đến mức nào”.
Ông Moya cho biết việc kiểm tra lại mức đáy tháng 10/2022 có thể làm gia tăng áp lực giảm giá đối với dầu WTI, đồng thời cho biết thêm các dự trữ năng lượng có thể gặp khó khăn do triển vọng nhu cầu suy yếu và tình trạng dư cung có khả năng tồn tại trong ngắn hạn.
Giá dầu giảm khi các thị trường rủi ro toàn cầu bị bán tháo sau thông tin rằng nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út, sẽ không cung cấp thêm hỗ trợ cho ngân hàng đang gặp khó khăn. Thông tin này khiến cổ phiếu Credit Suisse niêm yết tại Mỹ sụt hơn 20%. Nó cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng hệ thống ngân hàng toàn cầu chưa đầy 1 tuần sau khi 2 ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản.
Căng thẳng tại các ngân hàng nhỏ hơn đã khiến Goldman Sachs (NYSE:GS) hạ triển vọng tăng trưởng GDP Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho biết: “Các ngân hàng vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Các ngân hàng có tài sản dưới 250 tỷ USD chiếm khoảng 50% cho vay thương mại và công nghiệp Mỹ, 60% cho vay bất động sản nhà ở, 80% cho vay bất động sản thương mại và 45$ cho vay tiêu dùng”.
“Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thực hiện từng bước quyết liệt để củng cố hệ thống tài chính, tuy nhiên, lo ngại về tình trạng căng thẳng tại một số ngân hàng vẫn tồn tại. Áp lực diễn ra liên tục có thể khiến các ngân hàng nhỏ trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay để duy trì tính thanh khoản trong trường hợp họ cần đáp ứng việc rút tiền của người gửi tiền và việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay có thể ảnh hưởng đến tổng cầu”.
An Trần (Theo CNBC)