Vietstock - Dầu tăng mạnh khi Nga bị nhận thêm lệnh trừng phạt từ Mỹ
Giá dầu nhảy vọt vào đầu phiên ngày thứ Hai (28/02) sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung năng lượng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp.
Hợp đồng dầu Brent vọt tới 7% lên 105 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cũng tăng hơn 7% lên trên mức 99 USD/thùng.
Các hợp đồng này sau đó xóa bớt đà tăng. Kết thúc phiên ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 2.7% lên 100.55 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 4.5% lên 95.72 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng đều vượt mốc 100 USD/thùng vào ngày 24/02 lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, mức tăng vọt ban đầu có phần ngắn ngủi khi dầu WTI và dầu Brent rút lui trong phiên giao dịch ngày 24/02 và cả phiên ngày 25/02 sau khi loạt trừng phạt đầu tiên của Nhà Trắng không nhắm vào hệ thống năng lượng Nga.
Căng thẳng leo thang khi Mỹ và các đồng minh quyết định loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga nhằm ngăn ngân hàng này triển khai dự trữ và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của mình trong sự cảnh giác cao độ.
Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt chính, đặc biệt cho châu Âu. Trong khi loạt trừng phạt mới nhất không nắm trực tiếp vào ngành năng lượng, thì các chuyên gia cũng cho rằng sẽ có những tác động đáng kể đến ngành này.
“Các biện pháp trừng phạt ngành ngân hàng khác nhau khiến việc bán xăng dầu của Nga hiện rất khó xảy ra”, John Kilduff, Đối tác tại Again Capital, nhận định. “Hầu hết các ngân hàng sẽ không cung cấp nguồn tài chính cơ bản, do rủi ro đối mặt với các lệnh trừng phạt”.
Ông Putin cũng có thể quyết định trả đũa hành động của Mỹ và các đồng minh bằng cách vũ khí hóa năng lượng và tắt vòi dẫn trực tiếp.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, dự kiến nhóm họp vào cuối tuần này để xác định chính sách sản lượng của nhóm trong tháng 4/2022. Liên minh này đã tăng sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày mỗi tháng khi nới lỏng việc cắt giảm sản lượng lịch sử gần 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020 khi đại dịch bùng phát.
An Trần (theo CNBC)