Vietstock - Dầu sụt hơn 4% sau các cuộc thảo luận về áp trần giá dầu Nga
Giá dầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (23/11), tiếp tục chuỗi giao dịch biến động, khi nhóm các quốc gia G7 xem xét mức trần giá dầu Nga cao hơn mức thị trường hiện tại và dự trữ xăng tại Mỹ cao hơn dự báo từ các chuyên gia phân tích.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 3.57 USD (tương đương 4%) xuống 84.79 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 3.50 USD (tương đương 4.3%) còn 77.45 USD/thùng. Vào đầu phiên, cả 2 hợp đồng này đều tăng hơn 1 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng tại Mỹ vọt 3.1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 383,000 thùng từ các chuyên gia phân tích.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures group, nhận định: “Sự gia tăng dự trữ xăng tại Mỹ là một cú sốc. Sự gia tăng nguồn cung xăng cho thấy có thể chúng ta đang có nhu cầu suy yếu hoặc xăng đang tăng giá trước kỳ nghỉ lễ”.
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 3.7 triệu thùng, cao hơn so với dự báo giảm 1.1 triệu thùng từ cuộc thăm dò của Reuters.
Giá dầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi thông tin rằng giá trần dầu Nga của G7 có thể cao hơn mức giao dịch hiện tại.
Các quốc gia G7 đang xem xét mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng, theo một quan chức châu Âu vào ngày thứ Tư.
Trong khi đó, dầu thô Urals giao đến tây bắc châu Âu đang giao dịch quanh mức 62-63 USD/thùng, mặc dù ở Địa Trung Hải có giá cao hơn ở mức 67-68 USD/thùng, theo dữ liệu từ Refinitiv.
Bởi vì chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 20 USD/thùng, nên mức trần này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho Nga khi bán dầu của mình và theo cách này ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào ngày thứ Ba (22/11) rằng trần giá có thể sẽ được điều chỉnh vài lần trong năm.
Thông tin này đã làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, quốc gia đang vật lộn với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, với việc Thượng Hải thắt chặt các quy định vào cuối ngày thứ Ba.
Áp lực khác đến từ triển vọng kinh tế của OECD (Tổ chức Hộ tác và Phát triển Kinh tế), dự báo tốc độ mở rộng kinh té toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm tới.
Giá dầu đã tìm thấy một chút hỗ trợ sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách đồng thuận sẽ sớm thích hợp để giảm tốc độ nâng lãi suất.
An Trần (theo CNBC)