Vietstock - Dầu sụt 3% khi căng thẳng địa chính trị dịu bớt
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh trong ngày thứ Hai (02/04), khi những lo ngại địa chính trị vốn củng cố đà leo dốc tuần trước đã dịu bớt, CNBC đưa tin.
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã tăng trong phiên đêm qua, khi số giàn khoan dầu tại Mỹ suy giảm và những lo ngại rằng Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã dịu bớt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex sụt 1.93 USD (tương đương 3%) xuống 63.01 USD/thùng, sau khi vọt 7.5% trong quý 1/2018.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn lùi 1.59 USD (tương đương 2.3%) xuống 67.75 USD/thùng.
Khối lượng giao dịch trong ngày thứ Hai (02/04) thấp hơn bình thường khi nhiều quốc gia vẫn đang trong kỳ nghỉ Lễ Phục sinh.
Các nhà phân tích cho biết căng thẳng giữa Ả-rập Xê-út và Iran, 2 trong số 3 nhà sản xuất lớn nhất OPEC, đã phần nào dịu bớt, mặc dù nhà đầu tư vẫn đang cho rằng giá dầu sẽ lao dốc trước khi bước vào đợt nghỉ cuối tuần dài.
Cũng có khả năng gây sức ép lên thị trường là những căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể, vào ngày thứ Hai, Trung Quốc đã nâng thuế nhập khẩu lên đến 25% đối với 128 sản phẩm Mỹ, qua đó làm leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một động thái nhằm trả đũa hàng rào thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Dầu đã nhảy vọt từ mức thấp nhất trong nhiều năm gần 27 USD/thùng hồi tháng 1/2016, chủ yếu nhờ vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga, vốn bắt đầu từ năm 2017 và kéo dài đến cuối năm 2018.
Mặc dù, dữ liệu từ Bộ Năng lượng Nga cho biết sản lượng dầu trong tháng 3 của nước này tăng lên 10.97 triệu thùng/ngày, qua đó khiến Nga củng cố vị thế nhà sản xuất lớn nhất thế giới trước Mỹ.
Trong khi đó, sự phục hồi của giá dầu cũng hỗ trợ hoạt động khoan dầu tại Mỹ, vốn thúc đẩy sản lượng tại Mỹ vọt lên mức kỷ lục 10.43 triệu thùng/ngày, vượt qua Ả-rập Xê-út.
An Trần