Vietstock - Dầu giảm do đồng USD mạnh và bất đồng về trần nợ của Mỹ
Giá dầu giảm vào ngày thứ Năm (11/5), do bế tắc chính trị về vấn đề trần nợ tại Mỹ đã dẫn đến lo ngại về suy thoái kinh tế, trong khi sự gia tăng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đè nặng lên tâm lý thị trường và đồng USD mạnh hơn cũng gây áp lực lên giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 1.43 USD (tương đương 1.87%) xuống 74.98 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.67 USD (tương đương 2.32%) còn 70.88 USD/thùng.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần, sau khi dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ gần đây củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dùng nâng lãi suất nhưng không thúc đẩy kỳ vọng hạ lãi suất vào cuối năm.
Đồng USD mạnh hơn là dầu trở nên đắt đỏ hơn ở các quốc gia khác. Lãi suất cao hơn có thể gây áp lực lên nhu cầu dầu vì làm tăng chi phí vay, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ liên bang lên 31.4 ngàn tỷ USD và ngăn chặn một vụ vỡ nợ chưa từng có có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chỉ số giá sản xuất PPI tại Mỹ tăng nhẹ trong thángt rước, mức tăng lạm phát sản xuất hàng năm nhỏ nhất trong hơn 2 năm.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch sâu rộng nhằm cắt giảm phát thải nhà kính từ ngành năng lượng, một trong những bước đi lớn nhất cho đến nay trong nỗ lực khử cacbon cho nên kinh tế MỸ để chống lại biến đổi khí hâu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 tháng thứ 3 liên tiếp, cho biết tiềm năng tăng trưởng ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể bị lấn át bởi những rủi ro kinh tế ở những nơi khác như cuộc chiến trần nợ của Mỹ.
Các khoản vay ngân hàng mới của Trung Quốc đã giảm hơn nhiều so với dự báo trong tháng 4, làm tăng thêm lo ngại rằng quá trình phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà.
Về mặt nguồn cung, Iraq đã gửi một yêu cầu chính thức đến Thổ Nhĩ Kỳ để khởi động lại dòng xuất khẩu dầu thông qua đường ống chạy từ khu vực bán tự trị Kurdistan ở miền Bắc Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có thể bổ sung 450,000 thùng/ngày vào nguồn cung dầu thô toàn cầu.
An Trần (theo CNBC)