Vietstock - Cạnh tranh với Trung Quốc, Hòa Phát (HM:HPG) hạ giá bán thép HRC (HM:HRC) xuống 550 USD/tấn
Mới đây, hãng thép Hòa Phát (HOSE: HPG) đã hạ mạnh giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) trong bối cảnh nhu cầu yếu và áp lực phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.
Trong ngày 01/04, Hòa Phát đã hạ giá 40 USD/tấn với thép HRC, đưa giá thành loại SAE1006/SS400 giao tháng 6/2024 của hãng xuống mức 550 USD/tấn (CFR), chưa bao gồm VAT.
Mức giá này tương đương 13,740 đồng/kg, giảm 980 đồng/kg so với tháng trước. Theo một thương gia tại Hà Nội, mức giá hiện tại "đã rất thấp". Trong khi đó, các đơn chào bán HRC từ Trung Quốc tăng 10 USD/tấn lên 550 USD/tấn vì hợp đồng tương lai giá thép đã hồi phục trong ngày 01/04.
Động thái hạ giá bán của Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu và áp lực phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Tranh cãi về thép Trung Quốc
Vấn đề cạnh tranh với thép Trung Quốc cũng nổi cộm trong thời gian gần đây, nhất là khi Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu 1.4 triệu tấn HRC từ Trung Quốc, chiếm 74.2% tổng lượng nhập khẩu HRC trong 2 tháng đầu năm.
Giá thép rẻ hơn từ Trung Quốc có lẽ là yếu tố chính dẫn tới tình trạng này. Từ quý 1/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520-560 USD/tấn. Trong khi đó, giá bán thép HRC của Hòa Phát lẫn Formosa cao hơn khoảng 50-60 USD/tấn.
Trong bối cảnh đó, Hòa Phát cùng Formosa – hai doanh nghiệp sản xuất HRC duy nhất ở Việt Nam – đã đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép từ Trung Quốc vào ngày 19/03.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hòa Phát (HOSE: HPG), cho biết động thái này nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành từ phía Trung Quốc. Theo ông, những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, trong khi ngành bất động sản, xây dựng gặp khủng hoảng. Điều này dẫn tới tình trạng dư cung thép trầm trọng ở Trung Quốc và buộc họ phải bán ra nước ngoài.
“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đảm bảo đưa được sản phẩm ra ngoài”, ông cho biết.
Tuy nhiên, đơn đề xuất này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ 9 doanh nghiệp sử dụng HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn mạ, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác, như Nam Kim, Hoa Sen, Phương Nam...
Nhóm doanh nghiệp này lập luận biên độ phá giá của HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ 1.26%, không vượt quá 2% nên không thể coi là bán phá giá. Theo họ, việc nhập khẩu thép HRC cũng là điều hợp lý khi nguồn cung từ nội địa không đủ để phục vụ nhu cầu. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam đang nằm trong khoảng 10-13 triệu tấn/năm, còn tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam chỉ ở mức 8.2 triệu tấn/năm.
Tập thể 9 doanh nghiệp này cho rằng nếu Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ tiêu cực không chỉ đối với ngành thép mà còn đối với toàn nền kinh tế và xã hội. “Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ảnh hưởng đến toàn ngành thép”, trích từ công văn chung của các công ty.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HM:HSG) - cho biết khởi xướng điều tra chống bán phá giá chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp, đồng thời tỏ ra lo ngại "khả năng độc quyền và chi phối giá cả dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép sụp đổ", lãnh đạo Tôn Hoa Sen lo ngại. “Khi sản phẩm thép HRC tăng, giá thành phẩm tăng tương ứng, người tiêu dùng sẽ gánh khoản chênh lệch này”.
Vũ Hạo