Vietstock - Cảnh báo giá dầu toàn cầu có thể tăng tới 40%
Ngày 12/7, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nhận định giá dầu toàn cầu có thể tăng tới 40% lên mức 140 USD/thùng nếu không thực hiện kiềm chế giá dầu mỏ của Nga cùng với các biện pháp miễn trừ trừng phạt cho phép bàn giao những lô dầu có giá dưới mức trần đề ra.
Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: TheMoscowtimes.com/TTXVN
|
Quan chức này cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thảo luận về việc triển khai đề xuất kiềm chế giá mà Washignton đưa ra và tình hình phát triển kinh tế toàn cầu với người đồng cấp Nhật Bản Shunichi Suzuki trong cuộc gặp diễn ra ngày 12/7 tại Tokyo. Mục tiêu là định ra một mức giá trần đảm bảo bao trùm chi phí sản xuất của Nga để Moskva vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ nhưng mức trần này cũng không quá cao để làm lợi cho Nga.
Các quan chức Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về việc đặt ra trần giá dầu mỏ quá thấp nhưng cũng không phản đối mức giá dao động trong khoảng từ 40 đến 60 USD/thùng. Bà Yellen cũng dự định sẽ thông qua chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong vai trò Bộ trưởng Tài chính Mỹ để kêu gọi sự ủng hộ đối với đề xuất áp trần giá với dầu mỏ Nga và giải đáp những hoài nghi rằng liệu biện pháp này có hiệu quả hay không khi một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia.
Tháng trước, Mỹ và các thành viên còn lại của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản, cùng với Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng trần giá để giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất về kế hoạch chi tiết. Hiện EU đang chuẩn bị áp dụng lệnh cấm dầu mỏ Nga chia theo nhiều giai đoạn và cấm các công ty cung cấp bảo hiểm hàng hải cho các tàu chở dầu Nga. Anh cũng ủng hộ biện pháp này. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc áp giá trần sẽ vừa giúp duy trì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vừa kiềm chế đà tăng giá dầu mỏ được cho là có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Washington đề xuất cơ chế "ngoại lệ giá" cho phép miễn áp dụng các lệnh cấm bảo hiểm hàng hải với những đơn hàng có giá thấp hơn mức trần giá đã thống nhất, để tránh tình cảnh hàng triệu thùng dầu mỏ Nga bị tắc nghẽn mỗi ngày vì thiếu bảo hiểm. Mô hình phân tích của Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra rằng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mà không áp dụng "ngoại lệ giá" sẽ khiến giá dầu thô tăng mạnh, có thể lên mức 140 USD/thùng, từ mức 100 USD/thùng hiện nay.
Quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết hiện các công ty EU, Anh và Mỹ đang đảm nhận khoảng 90% thị phần bảo hiểm và tái bảo hiểm tàu chở dầu toàn cầu. Nếu các lệnh cấm bảo hiểm được áp dụng vào cuối năm, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu dầu mỏ, ảnh hưởng đến nguồn cung và khiến giá dầu bị đẩy lên cao.
Lê Ánh