Bỏ lối nghĩ "Trung Quốc là thị trường dễ tính"!

Ngày đăng 15:50 01/04/2018
Bỏ lối nghĩ

Vietstock - Bỏ lối nghĩ "Trung Quốc là thị trường dễ tính"!

Trung Quốc đang là nơi tiêu thụ chính nông sản của Việt Nam từ gạo, trái cây, khoai mì,… và gần đây là thủy sản với thị phần ngày càng tăng

Việc nước này ngày càng siết chặt các quy định về nhập khẩu nông sản có thể khiến nông dân, doanh nghiệp (DN) khó khăn giai đoạn đầu nhưng sẽ tạo động lực cũng như áp lực để ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng. Khi nông sản Việt nâng cao được chất lượng thì cơ hội mở rộng thị trường nhiều hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và không còn các đợt "giải cứu nông sản" như thời gian qua.

Trung Quốc có nhu cầu thực sự đối với nông sản Việt Nam nhưng ngày càng khắt khe về chất lượng.Trong ảnh: Thương nhân Trung Quốc tìm hiểu thủy sản Việt Nam tại một hội chợ

Gần đây nhất, thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) thì từ ngày 1-4, DN Trung Quốc khi làm thủ tục thông quan các lô hàng trái cây từ Việt Nam phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì. Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả… Đây chỉ là những quy định tối thiểu về nhãn mác với nội dung mà một sản phẩm hợp pháp cần có, nhưng không chỉ là cái tem dán trên bao bì "cho có" để được thông quan mà là sản phẩm phải truy xuất được gốc. Để khi xảy ra sự cố có thể xác định được vi phạm ở khâu nào, ai là người chịu trách nhiệm, cách khắc phục ra sao. Điều này có nghĩa trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc cũng cần có nguồn gốc xuất xứ, nơi đóng gói rõ ràng chứ không thể thu gom trôi nổi rồi cứ thế mang đi bán như thời gian qua. Nông dân cũng không thể duy trì cách sản xuất không có quy trình, không có ghi chép vì không đáp ứng tiêu chuẩn thu mua. Thực tế, đã nhiều nông dân tiến bộ đã thay đổi sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, có ghi chép nhật ký, có liên kết với DN thu mua. Từ đó nông dân có nhiều lựa chọn bán hàng cho nhiều thị trường và không lo bị ép giá.

Trong khi đó, các thương lái hiện nay vẫn đến các vùng nguyên liệu để mua đủ loại nông sản từ cá tra, tôm, mận, xoài, mít, sầu riêng, cá sấu,… mà không cần kích cỡ hay kiểm tra dư lượng thuốc để bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hoạt động xuất khẩu này hết sức rủi ro, có thể bị ngưng bất cứ lúc nào nên nguy cơ hàng hóa bị ùn ứ, thậm chí đổ bỏ là rất lớn. Bài học lớn nhất là ngành chăn nuôi heo "sụp đổ" vào năm 2017 đến nay vẫn chưa khắc phục xong khi người chăn nuôi đổ xô nhau đầu tư để bán heo hơi tiểu ngạch đi Trung Quốc.

Trước đó, với ngành gạo, khi lượng xuất khẩu sang Trung Quốc càng tăng, cơ quan chức năng nước này đã sang Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận cho 22 DN được phép xuất khẩu, đồng thời chặn nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Không những thế, qua kiểm soát nhập khẩu, phía Trung Quốc phát hiện có 3 DN gạo Việt Nam vi phạm quy định đã rút giấy phép xuất khẩu. Hình thức quản lý này tương tự các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang áp dụng. Do đó, DN muốn làm ăn lâu dài phải tự kiểm soát chất lượng, thực hiện đúng những gì đã cam kết, tự bảo vệ thương hiệu.

Từ việc Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu gạo tiểu ngạch để hướng đến nhập khẩu chính ngạch, các cơ quan quản lý và DN Việt đã nhận ra thị trường này không hề "dễ tính". Nếu nông dân và DN Việt vì cái lợi trước mắt, chiều theo sự "dễ tính" khi thu mua của các thương lái Trung Quốc thì sẽ lãnh đủ khi nhà chức trách Trung Quốc gia tăng kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch để giảm thất thu thuế và kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu.

Trung Quốc là thị trường rộng lớn, tiềm năng với hơn 1,5 tỉ dân, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, người tiêu dùng nước này tin tưởng vào nông sản thực phẩm Việt. Hơn nữa, Việt Nam lại giáp Trung Quốc nên có lợi thế đường vận chuyển, sẽ cung cấp hàng nhanh nhất khi nước này cần. Vậy nên, cách để tồn tại ở thị trường Trung Quốc là chủ động kiểm soát chất lượng như trước giờ bán hàng cho Mỹ, Nhật Bản, châu Âu hay Hàn Quốc. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn (DN lớn về xuất khẩu cá tra), từng chia sẻ các nhà nhập khẩu Trung Quốc rất khắt khe khi nhập khẩu cá tra Việt Nam. Do đó, với đại gia thủy sản này, dù là Trung Quốc hay thị trường khác thì DN đều phải chủ động kiểm soát chất lượng ngay cả với các chỉ tiêu mà họ chưa yêu cầu. Bởi vì mục tiêu là xây dựng thương hiệu để định vị sản phẩm là chất lượng cao, khi đó, giá cả chỉ là yếu tố phụ.

Với Tập đoàn Lộc Trời, DN tiên phong xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững cũng đã đưa ra mục tiêu xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại thị trường Trung Quốc thông qua dự án hợp tác với một DN có tiếng của Trung Quốc. Thành công bước đầu là mới đây, DN này đã có lô hàng 5.000 tấn gạo đóng túi 5 kg mang thương hiệu công ty được xuất khẩu đi Trung Quốc. Đây là nỗ lực rất lớn của DN khi trước nay gạo Việt xuất khẩu phần lớn là dạng bao xá 50 kg hoặc đóng bao theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Ý KIẾN

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Tăng trưởng nhờ nỗ lực của DN

Trung Quốc là một thị trường mới tiềm năng của thủy sản Việt Nam. Sự tăng trưởng của thị trường này thời gian qua không phải "từ trên trời rơi xuống" hay sự may mắn mà là nỗ lực của các DN thủy sản trong việc tìm kiếm thị trường mới đã nhận được phản hồi tích cực từ các DN nhập khẩu Trung Quốc. Bằng chứng là cá tra Việt không chỉ có mặt ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam mà còn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán,… và đi vào các chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn của Trung Quốc.

VASEP rất hoan nghênh các biện pháp quản lý nhập khẩu nông lâm thủy sản gần đây của Trung Quốc vì sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu minh bạch theo các thông lệ quốc tế. Việc mua bán theo đường chính ngạch sẽ hạn chế rủi ro cho hoạt động mua bán của 2 bên và giúp DN chân chính dễ làm ăn hơn. Chúng tôi đề nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam chủ động kiểm tra chất lượng các lô hàng xuất khẩu, kể cả đường mậu biên. Tránh trường hợp thương lái gom cá, tôm kém chất lượng bán sang Trung Quốc gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thủy sản Việt Nam.

Ông PHẠM THÁI BÌNH, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ):

Phải đa dạng hóa thị trường

Nhu cầu mua gạo của thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng không phải vì thiếu gạo mà nước này dễ dàng mở cửa cho Việt Nam mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy buôn bán lâu năm với thị trường Trung Quốc, nằm trong danh sách các DN được phép xuất khẩu chính thức đi Trung Quốc nhưng tôi vẫn thấy thị trường này rất khó tính và khó hiểu. Do đó, giải pháp của chúng tôi là đầu tư vào chất lượng, làm ăn bài bản và đa dạng hóa thị trường. Công ty chúng tôi không chỉ bán đi Trung Quốc mà còn xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu và mở rộng tiêu thụ nội địa. Bất cứ người tiêu dùng nước nào cũng cần gạo sạch và cao hơn nữa là gạo hữu cơ.

Ông VÕ QUAN HUY, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An:

Cần thông tin chính thức

Theo thông tin tôi nhận được từ đối tác Trung Quốc nhập khẩu chuối thì sau quy định về tem nhãn, kiểm dịch thực vật các đối tượng dịch hại, nước này sẽ kiểm tra dư lượng hóa chất. Cụ thể, nước này đưa ra danh mục trên 3.000 chất, trong đó có 1.200 chất không được phép có mặt trong nông sản. DN chúng tôi cần thông tin chính thức từ phía nhà nước về quy định thị trường để chủ động sản xuất không dính chất bị cấm.

Đã đến lúc người sản xuất phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, chỉ bán những mặt hàng có chất lượng thì không ngại vấn đề nhà nhập khẩu yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Một chuyện chưa tốt của Việt Nam là để thương lái Trung Quốc đi quá sâu vào vùng nguyên liệu bằng các hình thức "đội lốt" và sự tiếp tay của người Việt. So sánh với Lào, khi thương lái Trung Quốc đến nước này trồng chuối và có các hoạt động lạ, xịt thuốc bị người dân báo chính quyền phải rút về nước. Còn tại Việt Nam, tại nhiều dự án chủ là người Trung Quốc nhưng do người Việt đứng tên nên bên trong làm gì không ai biết. Do đó, đã đến lúc nông dân Việt phải liên kết lại để làm ăn lớn thay vì sản xuất nhỏ lẻ, nghe lời "rỉ tai" của thương lái với quá nhiều rủi ro như thời gian qua.

NG.ÁNH ghi

Bài và ảnh: VƯƠNG NGỌC

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.