Việt Nam luôn xác định đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng nền kinh tế quốc gia và Fintech là một phần tất yếu trong quá trình đổi mới sáng tạo. Xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ Chia sẻ tại hội thảo “Đổi mới Sáng tạo ngành Tài chính: Đổi mới để Tăng trưởng Bền vững”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng, qua kênh Internet là 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tương ứng là 65% và 77%; qua phương thức QR Code tăng tương ứng là 152% và 301%; và qua ATM giảm 4% về số lượng và 6% về giá trị.
Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử đang trở nên mạnh mẽ. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông với thời gian giao dịch tính bằng giây, giá trị giao dịch qua ngân hàng tính trung bình là 900.000 tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD, với khoảng hơn 8 triệu giao dịch một ngày. Ngoài ra, đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí doanh thu của các ngân hàng cũng giảm khoảng 30%, góp phần tiết giảm chi phí đáng kể cho hoạt động của ngân hàng.
“Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính và nguồn lực của mỗi ngân hàng sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau, tuy nhiên thời điểm hiện tại hầu hết các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số, nỗ lực tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm số của mình”, ông Hùng đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vị Phó Chủ tịch VNBA nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức, đó là quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, định danh và xác thực khách hàng điện tử,... hay chia sẻ dữ liệu bảo mật thông tin khách hàng cần phải điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời cần đồng bộ chuyển đổi cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối, tích hợp giữa ngành ngân hàng và các ngành, lĩnh vực khác, tạo lập quan hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ điện tử đa tiện ích cho khách hàng.
Cùng với đó, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ công nghệ số, đặc biệt là xu hướng tội phạm công nghệ với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn biến khó lường ngày càng gia tăng, cũng đang là thách thức với ngành ngân hàng.
“Hội thảo “Đổi mới Sáng tạo ngành Tài chính” sẽ là một cơ hội để các bên kết nối và tìm ra các xu hướng mới, hợp tác bền vững, cùng các chuyên gia thảo luận liên quan đến tận dụng dữ liệu lớn, lập chiến lược cho các ngân hàng kỹ thuật số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển đổi lực lượng lao động do AI cung cấp. Đặc biệt là vai trò quan trọng của yếu tố ESG trong kỷ nguyên số, khai thác sức mạnh của an ninh mạng và phát hiện gian lận trong tài chính”, Đại diện VNBA bày tỏ.
Động lực từ Fintech
Còn theo ông Võ Xuân Hoài, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu xuất hiện nhiều nhiễu động, ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đã và đang vượt lên trên những thách thức đó và chứng kiến những chuyển biến tích cực nhờ vào sự chi phối của xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.Các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ tài chính trong nước đang đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây vào tự động và tối ưu hóa kinh doanh - vận hành.
Theo khảo sát năm 2023 của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính DBS về chuyển đổi số, Việt Nam xếp thứ 2 trong số 10 quốc gia được khảo sát về mức độ ứng dụng chuyển đổi số vào nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng, chỉ đứng sau Singapore.
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech). Theo Nikkei, Việt Nam thuộc nhóm thị trường Fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là giữa các công ty fintech nội địa với những startup giàu tiềm lực.
Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2022 của Nextrans cũng cho thấy, bên cạnh thương mại điện tử, Fintech vẫn là mảng thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với tổng vốn là 138 triệu USD. Trong đó Startup Fintech Việt Nam có tổng đầu tư đạt 137,9 triệu USD (chiếm 2,3% giá trị thương vụ trong khu vực), nhận được 14 thương vụ đầu tư (chiếm 6% tổng số lượng thương vụ lĩnh vực Fintech Đông Nam Á).
Và mới đây, Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Quỹ đầu tư Do Ventures phối hợp phát hành tháng 3 vừa qua chỉ ra, Fintech nhận được nhiều vốn đầu tư nhất, với mức tăng ấn tượng 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Các ứng dụng thanh toán di động như Momo, ZaloPay và ViettelPay đã trở thành những cái tên quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
“Mặc dù thị trường Fintech Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều rào cản, thách thức đối với thị trường này. Số lượng doanh nghiệp Fintech và tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với những nước khác trong Đông Nam Á.
Mặt khác, các ngân hàng truyền thống đối mặt với thách thức trong cuộc đua số hóa bởi họ phải không ngừng đổi mới để bắt kịp dòng chảy công nghệ và hợp tác với các công ty Fintech nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Ngoài ra, còn có nhiều thách thức về pháp lý, quản lý rủi ro và bảo mật thông tin khách hàng cũng đang được các công ty Fintech tại Việt Nam phải đối mặt và giải quyết”, vị Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đánh giá.
Đại diện NIC nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định đổi mới sáng tạo chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng nền kinh tế quốc gia và Fintech là một phần tất yếu trong quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Để Fintech có thể phát triển đúng hướng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách, cơ chế để hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này. Tháng 07/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484 QĐ-BTC về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.
Ngoài ra còn có nhiều cơ quan, tổ chức cũng tham gia đề xuất các chính sách quy định để hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam, trong đó có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
“Tại Việt Nam, một số ngành mới nổi và đang phát triển nhanh, bao gồm FinTech, MedTech, EdTech… đang thiếu khung pháp lý cụ thể, gây ra tình trạng các công ty phải dựa vào các luật hiện hữu có thể không phù hợp với những ngành đặc thù này.
Tại Singapore hay Indonesia, hiện đã có cơ chế sandbox cho lĩnh vực Fintech trong khi ở Việt Nam, khung pháp lý thử nghiệm này vẫn chưa được chính thức thông qua. Do đó, Trung tâm đã sớm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm sandbox nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới và tăng trưởng nhanh. Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có một môi trường chính sách và môi trường đầu tư lành mạnh để phát triển hơn nữa nền kinh tế số, hội nhập quốc tế”, ông Võ Xuân Hoài bày tỏ.