Hiện nay có khá nhiều quan điểm đang nhắc đến khả năng Trung Quốc có thể sẽ lại sử dụng vũ khí tiền tệ để gây ra 1 cuộc Chiến tranh Tiền tệ mới (lần gần nhất là năm 2015), bên cạnh "Cuộc chiến Thương mại" mà Mỹ đã phát động. Tuy nhiên dưới đây là những lí do mà điều đó khó có thể xảy ra:
Trang MarketWatch dẫn lời nhà phân tích của Bank of New York Mellon (BNY Mellon) khẳng định Trung Quốc sẽ không phá giá đồng Nhân Dân Tệ như một chiến thuật trong căng thẳng thương mại với Mỹ vì sử dụng công cụ tiền tệ không hề đơn giản.
Trung Quốc và Mỹ đang đe dọa đánh thuế nặng lên hàng hàng tỷ USD hàng hóa của nhau, nguyên do là Tổng thống Mỹ Trump muốn kiểm soát thâm hụt thương mại bằng hàng rào thuế quan. Căng thẳng đã hạ nhiệt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hôm 10/4 tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), trong đó nhắc lại những cam kết trước đây của nước này về mở cửa thị trường và giảm thuế.
Trong bối cảnh đó, thảo luận về các khả năng phản ứng của Trung Quốc đối với động thái của chính quyền Trump vẫn gây được sự chú ý của thị trường. Nhưng không chắc Bắc Kinh sẽ dùng đồng nhân dân tệ làm vũ khí.
Ông Simon Derrick, chiến lược gia tiền tệ của BNY Mellon cho biết, nhìn bề ngoài, logic đằng sau việc phá giá nhân dân tệ trong tình hình tranh chấp thương mại có vẻ đơn giản, nhưng có 3 nguyên nhân khiến Trung Quốc cần cân nhắc sử dụng nó.
Trước hết, cuối năm 2013 Trung Quốc đã tuyên bố không đặc biệt quan tâm đến việc tăng dự trữ ngoại hối. Nếu phá giá nhân dân tệ, lượng ngoại hối của nước này sẽ tăng trở lại, đi ngược lại với những ý định trước đây.
Về nguyên tắc, để phá giá đồng tiền, một quốc gia đó sẽ bán đồng nội tệ để mua vào các tài sản để nâng dự trữ ngoại hối, thường là các giấy tờ có giá, thanh khoản tốt và cực kỳ an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ (Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ).
Vì thế, việc phá giá nhân dân tệ đi ngược lại một chiến thuật để đối phó căng thẳng thương mại mà Bắc Kinh có thể dùng đến: bán ra mạnh lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ. Hành động này sẽ tác động mạnh tới lợi suất và giá trái phiếu, vốn diễn biến ngược chiều nhau.
Thứ hai, nếu sự dụng tiền tệ làm vũ khí, giới đầu tư sẽ phải phòng vệ số tiền nhân dân tệ họ nắm giữ, khi đó giới chức Trung Quốc sẽ phải phòng thủ trước sự biến động (volatility) không mong muốn, Derrick nhấn mạnh.
Hiện đồng nhân dân tệ được giao dịch cả trong nước và hải ngoại, và tỷ giá thường lên xuống tự do hơn ở thị trường bên ngoài đại lục.
Thứ ba, nếu dự trữ ngoại hối tăng trở lại, lẽ thường là Trung Quốc sẽ muốn hạn chế việc mua tài sản Mỹ. Điều đó đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ phải nhanh chóng đa dạng hoá dự trữ ngoại hối của mình.
Nhưng các đồng tiền dự trữ khác không tăng giá nếu các nhà tham gia thị trường tin rằng nhu cầu dự trữ những đồng này sẽ tăng lên. Ngược lại, đô la Úc, vốn là đồng tiền dự trữ và được coi là một đồng tiên trung gian đối với Trung Quốc do quan hệ thương mại khăng khít giữa hai nước, đã chịu áp lực giảm giá bởi các đồn đoán phá giá.