Diễn biến chính trong tuần vừa qua
- Thị trường khép lại tháng 5 với mức giảm hơn 2%, khá nhẹ nhàng so với các thị trường chứng khoán trên thế giới.
- Thanh khoản thấp nhất trong 3 tuần, giá trị khớp lệnh đạt trên 2.500 tỷ đồng, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm smallcap với 4 tuần liên tiếp
- Khối ngoại là điểm sáng hiếm hoi khi mua ròng trên 290 tỷ đồng khớp lệnh, qua đó cắt mạch 3 tuần bán ròng trước đó. Trong đó, quỹ VNM (HM:VNM) ETF bất ngờ hút thêm được khoảng 10 triệu USD phần nào hỗ trợ khá tích cực cho thị trường chung.
- Về kỹ thuật, thị trường có thể đang ở giai đoạn điều chỉnh thứ 2 sau khi để mất ngưỡng hỗ trợ 970 điểm. Kịch bản test lại mức đáy tháng 5 (vùng 940+/- điểm) nhiều khả năng sẽ xảy ra, tuy vậy những phiên phục hồi kỹ thuật cũng sẽ xuất hiện. Bối cảnh lúc này không thuận lợi, nhà đầu tư nên dự phòng thêm kịch bản xấu có khả năng xảy ra.
- Chiến lược đầu tư: không mua đuổi trong phiên, cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục, mua các nhóm có beta thấp (ít bị thị trường tác động) và bán các nhóm có beta cao.
- Cơ hội đầu tư: Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: Sản xuất và phân phối điện, nước, thực phẩm, dược phẩm…hoặc nhóm được hưởng lợi từ xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, gỗ, logistics, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không,…sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư ở thời điểm này.
Thị trường trong nước khép lại tháng 5 với mức giảm nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Trong tuần cuối tháng 5, chỉ số Vnindex đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ 970 điểm qua đó có thể rơi vào giai đoạn điều chỉnh tiếp theo đe dọa mức đáy tháng 5 vừa qua. Lúc này, yếu tố nội tại không có vấn đề gì lớn nhưng cũng không có động lực để đi lên, trong khi đó bối cảnh ở bên ngoài lại đang xấu đi. Nhà đầu tư nên thận trọng, không nên mua đuổi trong phiên, có thể cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục ở các nhịp phục hồi kỹ thuật trong phiên.
Chỉ số VN-Index kết thúc tuần ở mức 959,88 điểm, ghi nhận giảm 15,26 điểm, tương ứng giảm 1,05%. VHM (HM:VHM), GAS (HM:GAS), BID (HM:BID), CTG (HM:CTG), TCB (HM:TCB) là một trong những mã đè thị trường trong cả tuần, kéo giảm hơn 6 điểm của VN-Index. Ngược lại những mã như SAB (HM:SAB), VCB (HM:VCB), VJC (HM:VJC) đóng vai trò hỗ trợ thị trường.
Tác động nhiều nhất lên VN-Index trong tuần phải kể đến VHM. Tiếp tục đà giảm trong tuần trước, VHM sụt giảm gần 3% trong tuần, qua đó kéo giảm gần 2,5 điểm trong tổng điểm giảm của VN-Index
Ngoại trừ các nhóm Dược phẩm, tài nguyên, ô tô phụ tùng và dịch vụ đi ngược thị trường trong tuần vừa qua, còn lại hầu hết các nhóm ngành chính đều giảm điểm. Đáng chú ý trong nhóm tăng điểm là nhóm tài nguyên với mức tăng mạnh nhất nhờ MSR (HN:MSR) tăng 13,5%, bên cạnh đó nhóm dịch vụ cũng gây ấn tượng với HVN (HN:HVN) và VJC lần lượt tăng 1,4% và 3,84%. Nhóm Logistics và cao su tự nhiên mặc dù có nhiều mã tăng nhưng do các mã đầu ngành như PHR (HM:PHR)(-5,57%) và GMD (HM:GMD) (-4,22%) đã kéo chỉ số chung giảm điểm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu “bốc hơi” 5% trong tuần vừa qua đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh hơn 3% dưới sức ép giảm giá của nhiều mã trong tuần qua như: GAS(-2,07%), PLX (HM:PLX)(-4,39%), PVD (HM:PVD)(-4,83%), PVS (HN:PVS)(-5,04%),…
Nhóm ngân hàng cũng giao dịch không thành công với mức giảm nhẹ 1,17%, ngoài VCB, TPB và HDB (HM:HDB) đi ngược thị trường thì các mã lớn khác đã gây sức ép cho thị trường như: BID(-3%), CTG(-4,25%), TCB(-2,59%),….
Giảm mạnh nhất trong tuần vừa qua là nhóm thủy sản, ngoài ABT tăng điểm thì các mã còn lại đều giảm sâu: MPC (HN:MPC)(-8,4%), HVG (HM:HVG)(-6,1%), VHC (HM:VHC)(-2,36%),….Lợi suất bình quân của các nhóm cổ phiếu vẫn ở mức âm theo tuần và theo tháng. Trong tháng 5 vừa qua, nhóm cao su tự nhiên có mức lợi suất cao nhất, tiếp theo là nhóm ô tô phụ tung, dịch vụ, sản xuấ phân phối điện, logistics, thực phẩm, bán lẻ và dệt may.
Thanh khoản thấp nhất trong 3 tuần vừa qua, giá trị khớp lệnh chỉ đạt trên 2.500 tỷ đồng, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm smallcap khi thanh khoản của nhóm này đã tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp.
Về cơ cấu dòng tiền: nhóm ngân hàng và dầu khí cùng giảm trong tuần vừa qua, chỉ chiếm lần lượt 16% và 12%. Trong khi đó dòng tiền tập trung ở nhóm dịch vụ (tăng từ 7% lên 8%) và nhóm Xây dựng và VLDX (tăng từ 10% lên 11%), …
Về giao dịch của khối ngoại
- Sau tuần mua ròng khủng, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh giao dịch và trở lại bán ròng hơn 270 tỷ đồng trong tuần cuối cùng của tháng với yếu tố tác động chính là cổ phiếu VJC.
- Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có phiên bán ròng duy nhất ngày 30/5, nhưng với việc xả mạnh cổ phiếu thị giá cao VJC, đã khiến khối này bán ròng về giá trị trong tuần cuối cùng của tháng 5. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng hơn 3,95 triệu cổ phiếu VJC với tổng giá trị 502,53 tỷ đồng. Ngoài ra, cặp đôi còn lại của nhà Vingroup (HM:VIC) là VHM và VRE (HM:VRE) cũng bị bán ròng khá mạnh, trong đó VHM bị bán ròng 1,21 triệu đơn vị, giá trị 101,24 tỷ đồng; còn VRE bị bán ròng 1,36 triệu đơn vị, giá trị 45,54 tỷ đồng. Trái lại, cổ phiếu PLX dẫn đầu danh mục được khối ngoại mua ròng mạnh với 100 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,53 triệu đơn vị. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được mua ròng mạnh nhất về khối lượng khối lượng đạt hơn 6,8 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 88,91 tỷ đồng.
- Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng mạnh nhất TIG với khối lượng 643.000 đơn vị, giá trị 2,43 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2, SHB (HN:SHB) được mua ròng 541.200 đơn vị, nhưng cũng là cổ phiếu dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về giá trị đạt 3,84 tỷ đồng. Trái lại, cổ phiếu NTP (HN:NTP) bị bán ròng mạnh nhất về giá trị đạt 9,18 tỷ đồng, tương đương khối lượng 262.100 đơn vị. Còn PVS dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh về khối lượng đạt 296.980 đơn vị, giá trị 6,97 tỷ đồng.
- Khối ngoại tuần vừa qua chủ yếu bán ròng thông qua giao dịch thỏa thuận trong khi đó vẫn mua ròng hơn 290 tỷ khớp lệnh qua đó cắt mạch 3 tuần bán ròng liên tiếp trước đó. Đóng góp vào lượng mua ròng trong tuần vừa qua là nhóm dịch vụ, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, sản xất và phân phối điện, …Đây cũng chính là điểm sáng hiếm hoi cho thị trường trong tuần vừa qua.
Tóm lại, thị trường đã khép lại tháng 5 với hiệu ứng “Sell in May” bị chi phối bởi “Trade war in May”. Tuy nhiên so với các thị trường trong khu vực thì mức thiệt hại của thị trường trong nước ít hơn, so với thị trường Mỹ thậm chí Vnindex còn khỏe hơn khi chưa đánh mất ngưỡng MA200 ngày trong khi chỉ số S&P500 đã xuyên qua ngưỡng kỹ thuật này.
Về kỹ thuật, chỉ số Vnindex đang nằm ngay phía trên ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng MA200 ở 957 điểm, nếu đánh mất ngưỡng này thì khả năng thị trường sẽ kiểm tra lại mức đáy tháng 5, tuần sau nhiều khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật. Tình hình trong nước không có vấn đề gì lớn nhưng cũng ít thông tin hỗ trợ, trong khi ở bên ngoài đang xấu đi.
Nhà đầu tư nên thận trọng, không nên mua đuổi trong phiên, có thể cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục ở các nhịp phục hồi kỹ thuật trong phiên. Tại thời điểm này, các kênh trú ẩn an toàn vẫn đang được các nhà đầu tư trên thị trường ưu ái. Chiến lược định lượng mua những cổ phiếu có Beta thị trường thấp (tức ít nhạy cảm với xu hướng chung của thị trường) và bán cổ phiếu có Beta thị trường cao. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: Sản xuất và phân phối điện, nước, thực phẩm, dược phẩm…hoặc nhóm được hưởng lợi từ xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, gỗ, logistics, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không,…sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư ở thời điểm này.
Trần Hoàng Sơn - GĐ Chiến lược thị trường MBS (HN:MBS)