Theo Thao Ta
Investing.com - Đã có những thời điểm trong năm 2020, sự bi quan tràn ngập trên thị trường chứng khoán toàn cầu vì sự bùng nổ của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, cũng như mọi cuộc khủng hoảng, “This too shall pass – Dịch Covid-19 này rồi cũng sẽ qua”. Năm 2021 sẽ là năm các nền kinh tế chữa lành những vết thương từ khủng hoảng đại dịch nhờ vào sự tiến bộ trong điều chế vắc xin, thuốc chữa Covid-19 và gói hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương.
Còn tại Việt Nam nỗ lực của chính phủ và người dân trong việc kềm chế sự lây lan của dịch bệnh đã giúp giảm thiểu nhiều thiệt hại to lớn về người và của. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 3% trong khi thế giới giảm 4% và thị trường chứng khoán Việt Nam không những lấy lại điểm số đầu năm mà còn tiến tới mốc 1100 điểm. Sau một năm thành công của chứng khoán thế giới và Việt Nam, có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi liệu thị trường có tiếp tục giữ được đà tăng trưởng hay không? Nếu có thì nhờ những động lực nào và nếu không thì do những rủi ro gì?
Chúng tôi đã mời những chuyên gia được yêu thích nhất Investing.com Việt Nam đưa ra cái nhìn của họ đối về cơ hội, rủi ro trên thị trường và những ngành nghề đáng đầu tư nhất năm 2021.
1. Năm 2020 để lại câu hỏi về khoảng trống lớn giữa thị trường vốn và nền kinh tế
Ông Châu Phạm - Giám đốc khối nghiên cứu và đầu tư Finashark
Trong suốt năm đại dịch 2020, chúng ta đã chứng kiến quá trình phân kỳ giữa chỉ số chứng khoán và tốc độ tăng trưởng kỳ vọng từ nền kinh tế. Sự phục hồi nhanh chóng của giá tài sản từ mức thấp nhất ngày 23 tháng 3 đã đưa các chỉ số chính của Mỹ lên mức kỷ lục, ngay cả trước khi có tin tốt gần đây về vắc xin Covid-19 trong giai đoạn gần cuối năm. Theo bước chỉ số dẫn dắt, hầu hết các thị trường chứng khoán khác, trong đó có Việt Nam cũng gần như xóa mờ cú sập trong tháng 4.2020.
Món quà cuối năm đến từ thông tin về Vaccine Covid-19 được tìm ra và triển khai tiêm phòng cộng đồng. Đồng thời, phía Ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục, và thậm chí còn đẩy mạnh hơn các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ thị trường sau đại dịch. Đứng giữa làn sóng dòng tiền lớn liên tục bơm vào thị trường, thì khả năng một cú sập thị trường như giai đoạn giữa năm 2020 trở nên xa vời. Một điều rõ ràng là không một ai muốn chứng kiến cảnh thị trường sụp đổ sau lượng tiền khổng lồ mà các Ngân hàng Trung ương bơm ra để tạo thanh khoản giá.
Các chính sách điều tiết thị trường và niềm tin này kích hoạt một làn sóng F0, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường và hấp dẫn dòng tiền mới trong dân. Qua đó, yếu tố thị trường gần như đẩy lùi các yếu tố cơ bản về hoạt động doanh nghiệp trong năm 2020.
2. Ba động lực cho năm 2021: vĩ mô ổn định, tiền tệ nới lỏng, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam
Đối với triển vọng TTCK Việt Nam năm 2021, nhìn chung tôi có cái nhìn tương đối lạc quan nhờ nhiều yếu tố tích cực đang chiếm ưu thế. Trong đó, yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là triển vọng tích cực của kinh tế vĩ mô trong nước cho năm sau, nhờ việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 khiến các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động kinh tế xã hội là tương đối hạn chế. Ngoài ra, môi trường kinh doanh còn được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng của Chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam, cùng kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính khi mà dịch Covid-19 có thể được kiểm soát trong tương lai gần nhờ vaccine. Trên thực tế, đa số các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đều đưa ra các dự báo tích cực với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, phổ biến trong khoảng 6.5%-7% tăng trưởng GDP.
Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng là chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng mạnh mẽ, của cả Việt Nam lẫn hầu hết các nền kinh tế lớn, khả năng cao sẽ tiếp tục được duy trì giúp nguồn tiền rẻ dồi dào. Bên cạnh đó, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu nhờ kinh tế Mỹ phục hồi nhưng không quá nóng, lạm phát duy trì ở mức thấp, các chính sách nới lỏng mạnh mẽ, cùng thực trạng thâm hụt kép (twin deficit) đối với cả ngân sách và tài khoản vãng lai của Mỹ duy trì ở mức cao. Một đồng USD yếu luôn là yếu tố tích cực giúp gia tăng dòng tiền chảy vào các TTCK mới nổi và điều này đặc biệt đúng đối với TTCK Việt Nam (dựa vào các quan sát trong quá khứ).
Sau cùng, TTCK Việt Nam cũng còn những kỳ vọng riêng trong năm 2021 liên quan đến việc Chính phủ đẩy mạnh công tác thoái vốn, cổ phần hóa, nâng hạng thị trường, giao dịch T0, hay tác động tích cực từ hàng loạt các Hiệp định FTA được ký kết gần đây…
Đối với các yếu tố rủi ro, các yếu tố chính trong năm 2021 có thể gây áp lực điều chỉnh đến thị trường có thể kể đến như: dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát nếu vaccine thiếu hiệu quả; các nền kinh tế lớn (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật) phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng; quy mô các gói kích thích bị thu hẹp nếu lạm phát có dấu hiệu nhích tăng; Mỹ áp thuế, hạn ngạch với hàng hóa Việt Nam sau khi xác định Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ; KQKD các doanh nghiệp niêm yết không theo kịp đà tăng của TTCK trong bối cảnh định giá VNIndex đã ở mức cao; các rủi ro về mặt chính trị…
3. Khi lực lượng lao động suy yếu, thì công nghệ sẽ là yếu tố dẫn dắt
Ông Châu Phạm - Giám đốc khối nghiên cứu và đầu tư Finashark
Như tôi đã đề cập yếu tố thị trường gần như đẩy lùi các yếu tố cơ bản về hoạt động doanh nghiệp trong năm 2020, như vậy chúng ta phải đặt câu hỏi là trong năm 2021 liệu đà tăng chỉ số chứng khoán hiện tại sẽ chậm lại để đợi kinh tế đuổi kịp, hay là chúng ta sẽ chứng kiến pha tăng nóng từ kinh tế sau khi đại dịch chính thức chấm dứt?
Thực tế thị trường tài chính đã thể hiện quá rõ sức bật trong năm qua. Do vậy, để trả lời câu hỏi lớn này, tôi muốn tập trung vào yếu tố tăng trưởng kinh tế.
Triển vọng kinh tế không chắc chắn với sự phân kỳ giữa các quốc gia quan trọng trong hệ thống thị trường vốn là một trong những hậu quả Covid-19 để lại.
Cần nhắc lại một chút về động lực tăng trưởng kinh tế. Chủ yếu đến từ 2 yếu tố: lực lượng lao động và yếu tố công nghệ. Nhìn dưới góc độ tăng trưởng kinh tế cơ bản, Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp trở nên nghiêm trọng nhất toàn lịch sử. Khả năng dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài đến giữa năm 2021. Qua đó dẫn đến kỳ vọng vào phục hồi hoàn toàn từ lực lượng lao động trở nên khá xa vời.
Nhưng trong hoàn cảnh đó, tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn ghi nhận hồi phục triệt để. Vậy động lực tăng trưởng lúc này chỉ có thể đến từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được triển khai quyết liệt hơn với sự tham gia từ hệ thống máy học A.I và giao thức làm việc Work From Home. Nói cách khác, thị trường sẽ chuyển dần từ hình thức thâm dụng lao động sang hình thức tự động hóa. Đồng thời, nhờ A.I mà mức độ tinh vi và chính xác từ máy móc được cải thiện mỗi ngày. Đây là lý do khiến mảng công nghệ và phát triển tự động tăng trưởng mạnh nhất trong năm qua.
4. Những tài sản và lĩnh vực dẫn dắt trong năm 2021
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi, trong năm 2021, các nhà đầu tư nên chú ý quan sát các kênh đầu tư như sau.
Cổ phiếu: Ưu tiên giành tỷ trọng cao cho cổ phiếu. Tôi dự báo các chỉ số chứng khoán có thể tăng trung bình hơn 22% trong năm 2021. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện trong quý 2/2021.
Giá dầu Brent và giá hàng hóa nói chung: Nền kinh tế thế giới có thể hồi phục trở lại sau dịch Covid-19 trong năm 2021, theo đó nhu cầu dầu có thể sẽ hồi phục mạnh trở lại, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Tôi dự báo giá dầu Brent có thể sẽ tăng 67% trong năm 2021.
Bitcoin: Nhu cầu dự trữ của các Ngân Hàng Trung Ương về tiền điện tử sẽ gia tăng trong năm 2021 do tốc độ phát triển ứng dụng công nghệ vào thanh toán. Tôi dự báo Bitcoin có thể tăng hơn 50% trong năm 2021, nhưng rủi ro biến động của đồng tiền này có thể sẽ ảnh hưởng đến danh mục đầu tư cho nên tôi khuyến nghị chỉ nên xem xét với tỷ trọng dưới 15% danh mục của mình.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam
Với động lực tăng trưởng chính của TTCK trong nước trong năm 2021 đến từ kỳ vọng sự phục hồi vĩ mô cũng như các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, tôi tiếp tục đặt niềm tin vào cổ phiếu các ngành ngân hàng, hạ tầng xây dựng, nguyên vật liệu, chứng khoán khi là các ngành được hưởng lợi chính từ các động lực trên. Ngoài ra, tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP…), cùng việc thu hút tốt dòng vốn đầu tư FDI giúp cổ phiếu doanh nghiệp thuộc các ngành hưởng lợi trực tiếp tiếp tục giao dịch khởi sắc trong năm sau như dệt may, thủy sản, logistic, bất động sản khu công nghiệp… Sau cùng, phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, nếu sớm được kiểm soát, một số nhóm cổ phiếu như hàng không, dầu khí cũng sẽ xuất hiện cơ hội đầu tư rõ nét trong năm sau.
Ông Châu Phạm - Giám đốc khối nghiên cứu và đầu tư Finashark
Nhìn dưới góc độ trader, ảnh hưởng từ dịch bệnh và tốc độ phục hồi kinh tế khác nhau đối với từng quốc gia tạo nên cơ hội Arbitrage (kinh doanh chênh lệch giá) khá thú vị cho nhà đầu tư theo trường phái định lượng. Chi tiết hơn, biến động thị trường mạnh và đầy bất ngờ khiến giá trị các tài sản toàn cầu bị “xô lệch”. Dẫn đến thị trường không thể nhanh chóng định giá. Qua đó, các nhà đầu tư áp dụng thuật toán định lượng có thể dễ dàng phát hiện kẽ hở của thị trường và kiếm lời từ nó.
Do vậy, có thể thấy yếu tố trụ cột cho năm 2021 vẫn là yếu tố công nghệ. Bên cạnh đó không thể bỏ qua những nhóm ngành tăng trưởng theo yếu tố chu kỳ (hàng không, vận tải, sản xuất công nghiệp) khi hồi phục từ vùng đáy giá.
Rủi ro của bài toán này là một hoặc nhiều sự bất đồng về chính sách xảy ra. Cụ thể, một sự đảo ngược chính sách tiền tệ (rất khó xảy ra), một cú sập thị trường do rủi ro đầu tư leo thang quá mức (nhiều khả năng xảy ra nhưng không quá lớn) và gia tăng các vụ phá sản doanh nghiệp (có thể xảy ra nhất nhưng sẽ diễn ra theo thời gian).
Qua đó, trong ngắn hạn quý I.2021, các nhà đầu tư sẽ vẫn có thể lướt sóng thanh khoản có lợi nhuận cao. Nhưng mọi thứ có thể sẽ trở nên phức tạp hơn khi chúng ta tiến xa hơn vào năm 2021.
Nhóm ngành dẫn sóng: Ngân hàng với mối liên hệ Fintech.
Khi nhắc đến tiền hỗ trợ từ chính sách điều tiết, thì nhóm ngành đầu tư được hưởng lợi vẫn là nhóm Ngân hàng.
Nhìn vào dữ liệu định giá P/TB (tỷ lệ giá trên tài sản hiện hữu), có thể thấy dư địa tăng trưởng từ nhóm Ngân hàng toàn cầu còn rất lớn khi mức độ hồi phục (cột xanh biển), chưa thật sự vượt qua thời điểm trước Covid-19. (Cột xanh lá cây). Đồng thời, đà tăng trưởng giá vẫn còn rất hấp dẫn khi mức tăng nhanh chóng vượt qua vùng thời điểm ghi nhận tháng 4.2020.
Nhưng thời điểm này, rủi ro của hệ thống đang bắt đầu phát đi những tín hiệu báo động đầu tiên khi Ngân hàng Trung ương đã phải dùng đến lượng tài sản tích trữ “lender of last resource”. Nói cách khác, lượng tiền vào hệ thống quá lớn và đột ngột sẽ dẫn đến khả năng kiểm soát tín dụng và phân bổ tài sản thiếu hợp lý. Ví dụ cụ thể, làm sao để có thể phân biệt liệu doanh nghiệp được nhận hỗ trợ bù đắp Covid-19 thật sự bị ảnh hưởng từ Covid-19? Hay liệu có cá nhân lao động mất việc dùng tiền hỗ trợ để đầu tư rủi ro cao (chứng khoán), thay vì tìm cơ hội phục hồi và tái tạo sức lao động? Những rủi ro này khiến cho nhóm ngân hàng trở nên thiếu sức hấp dẫn trong năm 2021 sau một giai đoạn tăng trưởng dài trong năm qua.
A.I – trí tuệ nhân tạo trở thành giải pháp cho đà tăng trưởng từ nhóm Ngân hàng
Gần đây nhất, mảng kinh doanh thẻ tín dụng của Barclays đã ký một thỏa thuận với Amazon để cung cấp các dịch vụ mua sắm và thanh toán tùy chỉnh liền mạch ở Đức. Điều này phát đi một tín hiệu về một cuộc chạy đua khốc liệt đang diễn ra tại các ngân hàng và công ty công nghệ nhằm tìm cách sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong tài chính. Về cơ bản, Barclays và Amazon đang liên kết dữ liệu với phân tích A.I để phê duyệt tín dụng và dự đoán những dịch vụ tùy chỉnh mà khách hàng sẽ muốn tiếp theo.
Thực tế, các nền tảng AI hiện đang được triển khai trong lĩnh vực tài chính mạnh hơn theo cấp số nhân. Tiềm năng này được ghi nhận từ cuộc IPO bị bỏ lỡ trong năm, ANT Financial trị giá 37 tỷ USD từ Jack Ma. Nhìn vào dữ liệu phân tích tích hợp A.I từ McKinsey, có thể thấy rõ nhóm Ngân hàng hưởng lợi như thế nào với sự góp sức của trí thông minh nhân tạo. Cụ thể, mức gia tăng giá trị lên đến 8% nhờ tích hợp công nghệ máy học và Big Data.
Về mặt lý thuyết, A.I giúp tăng mức độ an toàn cho hệ thống ngân hàng khi giảm chi phí đi vay nhờ phân tích rủi ro tín dụng hiệu quả và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, A.I dễ dàng cải thiện các bài kiểm tra “stress test” trong nhóm ngành Ngân hàng. Điểm lợi ích sau cùng: độc quyền. Với cơ sở dữ liệu liên quan đến tài chính cá nhân khổng lồ, nhóm ngành Ngân hàng trở thành nơi phân bổ tài sản, và quyết định một doanh nghiệp có khả năng tồn tại hay phá sản.
Nhưng không phải là không có rủi ro mang tính hệ thống. Cụ thể, vấn đề lớn nhất của A.I là quá thông minh để có để điều tiết và đưa vào khuôn khổ pháp chế. Rất ít người hiểu cả A.I và tài chính. Điều báo động là những người có những kỹ năng này thường làm việc ở những tổ chức khác nhau. Qua đó, gây rủi ro quản lý và nhiều khi dẫn đến “tạm ngừng” từ chính phủ. Ví dụ điển hình nhất là hoãn cuộc IPO Fintech lớn nhất trong năm qua, ANT Financial từ Bắc Kinh.
Do vậy, nếu loại trừ hết toàn bộ yếu tố bất ngờ, thì nhóm ngành nên chú ý nhất trong năm 2021 vẫn là nhóm Ngân hàng và Công nghệ. Đặc biệt, nếu có sự kết hợp của cả 2 yếu tố này trong tên một mã chứng khoán thì đó là lựa chọn tối ưu nhất.