Sau khi Chính phủ Trung Quốc quyết định đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo nội bộ của nước này vào tháng 12/2017, một hệ thống nền tảng giao dịch ngầm đã được hình thành để che mắt các nhà quản lý.
Cùng với đó, là sự xuất hiện của những “chú la” Bitcoin- chỉ những tay buôn bán chủ động mang tiền mặt ra khỏi biên giới Trung Quốc để thực hiện giao dịch mua bán bitcoin.
Ông Li - cán bộ ngân hàng người Trung Quốc đang sống tại Canada, là một trong những nhà kinh doanh ngầm kiểu này. Ông đã mua tiền ảo ở thị trường khác và bán chúng với giá cao hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc, những người không thể tiếp cận chúng sau lệnh cấm của Bắc Kinh.
Vào tháng 1/2018, khi nhu cầu săn lùng Bitcoin đạt cao điểm đẩy giá trị đồng tiền số giao động gần mức 20.000 USD sau khi tăng phi mã đến 20 lần trong năm 2017, ông Ly và những nhà giao dịch khác đã có thể bán bitcoin tại Trung Quốc với mức giá cao hơn các thị trường khác từ 30-40%.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, mức lợi nhuận này đã giảm xuống chỉ còn 7% hoặc thấp hơn do thị trường trở nên bội thực với tiền số, mà trong đó những “chú la” bitcoin đóng góp phần chính. Cùng với đó, các quỹ tiền ảo và các nhà giao dịch trên máy tính cũng thi nhau đổ xô vào thị trường màu mỡ này.
Hậu quả là mức lợi nhuận hấp dẫn nhanh chóng tiêu tan, làm lộ rõ sự mong manh của một thị trường vốn được cho là đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.
John DeCleene, Trợ lý Giám đốc Quỹ điều hành đầu tư các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và tiền ảo tại hãng quản lý đầu tư Overseas Chinese Investment Management (OCIM), nhận định thị trường đang suy thoái vì trò chơi này hiện đang có quá nhiều người, trong khi cơn thèm khát bitcoin đã trở nên nguội lạnh.
Người ta không còn nhìn thấy những con thiêu thân trong giai đoạn tháng 12 của năm ngoái đã sẵn sàng trả thêm 30% cho bitcoin với hy vọng đồng tiền này sẽ tăng giá gấp 10 lần chỉ sau 1 đêm.
Thị trường bitcoin phát triển đồng nghĩa với việc đồng tiền ảo trở nên khó đoán hơn. Điều này buộc một vài chính phủ phải sử dụng các biện pháp can thiệp để hạn chế giao dịch.
Mặc dù vậy, bất chấp lệnh cấm giao dịch tiền ảo của Chính phủ Trung Quốc, các thương nhân đã nhanh chóng tìm ra những phương thức kinh doanh mới. Ban đầu, những “chú la” này chỉ giới hạn trong các nhóm kín trên ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat và những cuộc họp tại các quán bar, nơi người mua bitcoin tiềm năng có thể gặp gỡ người bán.
Tuy nhiên, sau đó họ xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn giao dịch song song như Coincola, với website được thừa hưởng từ những nền tảng giao dịch trước đây của Trung Quốc là Huobi, OKCoin và thậm chí cả những trang bán lẻ như Taobao cũng trở thành trung tâm giao dịch trực tiếp (hay còn gọi là hình thức mua bán thẳng mà không cần qua trung gian - OTC) của loại tiền này.
Hình thức đó được tiến hành bên ngoài các cuộc trao đổi chính thức và không dễ để bị nắm bắt bởi các nhà quản lý.
(Còn nữa)
Tổng hợp từ TTXVN