Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,08% năm 2018, mức cao nhất trong 11 năm qua
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,31% trong quý 4 (so với cùng kỳ - YoY) và đạt mức tăng trưởng 7,08% YoY trong cả năm 2018, mức cao nhất ghi nhận trong 11 năm qua. Kết quả tích cực được ghi nhận trong cả 3 khu vực của nền kinh tế.
- Khu vực Nông/Lâm/Ngư nghiệp tăng trưởng 3,8% YoY, mức cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, nhờ vào thời tiết thuận lợi và sự chuyển đổi cơ cấu ngành này khi chuyển hướng từ trồng lúa truyền thống sang trồng lúa chất lược cao, các loại cây khác và nuôi trồng thủy sản.
- Khu vực Công nghiệp & Xây dựng tăng trưởng 8,8% YoY, với sự đóng góp của ngành sản xuất, chế biến và chế tạo, khi tăng mạnh 12,98% YoY, nhờ nhu cầu trong nước và thế giới. Xuất khẩu vẫn duy trì ổn định (+13,8%) dù các rủi ro toàn cầu gia tăng, trong khi tổng mức bán lẻ trong nước ghi nhận tăng trưởng ấn tương 11,7% (9,4% nếu loại trừ yếu tố giá – mức cao nhất kể từ 2011).
- Khu vực Dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh đạt 6,89% YoY, nhờ sự tăng trưởng ổn định của hoạt động bán buôn/bán lẻ (+8,51% YoY) và tài chính/ngân hàng/bảo hiểm (+8,21%).
Triển vọng kinh tế toàn cầu chững lại có thể ảnh hưởng đến quốc gia có định hướng kinh tế xuất khẩu như Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ sẽ được tiếp nối trong năm 2019 và mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% mà Quốc hội đề ra là khả thi, được hỗ trợ từ từ môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện, niềm tin tiêu dùng mạnh mẽ (hiện đang xếp thứ hai trên toàn cầu), và sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
----------------------------------------
CPI tiếp tục giảm trong tháng 12 do giá xăng dầu giảm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 đã giảm 0,25% so với tháng trước (MoM), đưa mức CPI cả năm 2018 chỉ còn 2,98% (so với tháng 12/2017). CPI trung bình cả năm 2018 tăng 3,54% YoY (so với +3,53% YoY trong năm 2017), thấp hơn mức trần mà Chính phủ đề ra là 4%. Một vài yếu tố chính ảnh hưởng đến CPI tháng 12 bao gồm:
1. Nhóm Giao thông Vận tải (GTVT) giảm 4,8% MoM khi giá bán lẻ xăng dầu trung bình trong nước đã giảm 10,77% MoM.
2. Nhóm Nhà ở và Vật liệu Xây dựng (bao gồm điện, nước và GAS) đã giảm 0,89% khi giá gas đã giảm 33.000 đồng, tương ứng với 9,64%.
3. Nhóm Thực phẩm và Hàng ăn tăng nhẹ chỉ 0,05% MoM khi giá thịt heo giảm 0,67% do nguồn cung gia tăng.
Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại trong tháng 1/2019, do một số nguyên nhân (1) nhu cầu tiêu dùng gia tăng trước dịp Tết Nguyên đán, (2) thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ tăng từ ngày 01/01/2019, và (3) giá dịch vụ Y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh từ ngày 15/01/2019.
----------------------------------------
Xuất khẩu mạnh giúp thặng dư thương mại đạt mức cao kỷ lục
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%. Như vậy, năm 2018, Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD. Đây là một con số cao kỷ lục và cao hơn nhiều so với mức 2,1 tỷ USD của năm 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm điện thoại di động và linh kiện (50 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2017), điện tử, máy tính và linh kiện (29,4 tỷ USD, tăng 13,4%), và dệt may (30,4 tỷ USD, tăng 16,6%). Điện tử, máy tính và linh kiện cũng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu khi tăng 12,5% so với năm 2017 lên 42,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu máy móc, trang thiết bị và điện thoại di động và linh kiện giảm nhẹ lần lượt 0,5% xuống 33,7 tỷ USD và 2,5% xuống 16 tỷ USD.
Mỹ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu sang nước này tăng 14,2% lên 47,5 tỷ USD (chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu) nhưng nhập khẩu từ Mỹ cũng đã tăng đến 36,8%, khiến giá trị xuất siêu giảm xuống 34,7 tỷ USD so với 41,1 tỷ USD năm 2017. Theo sau Mỹ là EU (42,5 tỷ USD, tăng 17%) và Trung Quốc (41,9 tỷ USD, tăng 17%). Trung Quốc cũng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam (65,8 tỷ USD, tăng 12,3%), sau đó là Hàn Quốc (47,9 tỷ USD, tăng 2%) và ASEAN (32 tỷ USD, tăng 13%).
Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới, qua đó có thể kìm hãm đà tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những lợi thế của Việt Nam như vị trí chiến lược, chi phí lao động thấp, một loạt các hiệp định thương mại tự do (trong đó có CPTPP trong thời gian tới) và môi trường kinh doanh cải thiện sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới, qua đó thúc đẩy các hoạt động thương mại của Việt Nam.