Gần đây FinKInvest có thấy một số bài viết về Death Crosses giữa đường MA50 và đường MA200, mà lần xuất hiện gần nhất trên chỉ số VN Index là vào ngày 28/11/2023. Do từ “Death” đọc có vẻ rất đáng sợ, nên các bài viết nói về chủ đề này có thể sẽ gây hoang mang và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của một bộ phận ACE và NĐT.
Để có cái nhìn bao quát và khách quan hơn, FinKInvest sẽ đi sâu vào việc thống kê dữ liệu quá khứ cũng như kiểm định chiến lược giao dịch của những lần Death Cross (và ngược lại là Golden Cross) nhằm hỗ trợ ACE và NĐT tránh những hiểu lầm không đáng có về Death Cross.
Giải thích:
- Death Crosses: xảy ra khi đường trung bình 50 ngày (MA50) cắt xuống đường trung bình 200 ngày (MA200). Tín hiệu Death Crosses được cho là Tiêu cực, mở ra một chu kỳ giá xuống.
- Golden Cross: xảy ra khi MA50 cắt lên MA200. Tín hiệu Golden Crosses được cho là Tích cực, mở ra một thời kỳ giá lên.
Trong hình trên, đường MA50 là đường màu đỏ & đường MA200 là đường màu xanh dương. Golden Cross đã từng xảy ra vào ngày 24/09/2020 và Death Cross đã từng xảy ra vào ngày 17/05/2022. Ở cả hai lần này VNIndex đều đã tăng / giảm mạnh sau đó. Lần gần nhất VNIndex xuất hiện Golden Cross là vào ngày 15/06/2023 và Death Cross là vào ngày 28/11/2023. Hình bên dưới tổng hợp tất cả các lần VNIndex xuất hiện Golden Crosses và Death Crosses.
Khi nhìn bằng mắt thường thì có vẻ như Golden & Death Crosses mang lại hiệu quả khá tốt; tuy nhiên, để chắc chắn những gì đã diễn ra cũng như tạo nền tảng vững chắc để chúng ta có thể sử dụng những tín hiệu này về sau, FinKInvest có tổng hợp lại những lần tín hiệu xuất hiện và diễn biến của thị trường sau đó theo như hình bên dưới.
I. Thống kê Tăng / Giảm
Golden Crosses trong toàn bộ lịch sử VNIndex
Golden Crosses từ năm 2009 cho đến nay trên VNIndex
Chú thích:
Trong quá khứ, VNIndex đã từng xuất hiện 15 lần Golden Crosses. Trong 3 ngày sau khi Golden Crosses xuất hiện, VNIndex có xác suất giảm giá nhiều hơn (từ 67% đến 73%) với trung bình giảm giá từ -0.11% đến -0.98%. Trong vòng từ 5 ngày đến 6 tháng sau đó, xác suất tăng & giảm trên chỉ số VNIndex là khá cân bằng đi kèm với trung bình tăng / giảm giá không thấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc diễn biến của giá sau khi Golden Crossess xuất trong khoảng thời gian này là ngẫu nhiên (random). Trong trường hợp NĐT đủ kiên nhẫn để tiếp tục giữ thêm 6 tháng nữa (1 năm kể từ khi Golden Crosses xuất hiện) thì NĐT sẽ nhận được lợi nhuận 8.4% / 1 năm với xác suất là 67%. Cũng cần lưu ý là lợi nhuận trung hàng năm để Mua & Nắm giữ (Buy & Hold) trên chỉ số VNIndex là 10.79%.
Death Crosses trong toàn bộ lịch sử VNIndex
Death Crosses từ năm 2009 cho đến nay trên VNIndex
Chú thích:
VNIndex đã từng xuất hiện 16 lần Death Crosse trong quá khứ. Trong vòng từ 1 ngày đến 3 tháng sau khi tín hiệu xuất hiện, diễn biến của thị trường thiên về ngẫu nhiên (random). Xác suất giảm giá mạnh nhất 69% đến từ khoảng thời gian 6 tháng kể từ khi tín hiệu xuất hiện đi kèm với tỷ lệ giảm giá -6.47%. Mặc dù vậy, thị trường hầu như sẽ hồi phục trở lại toàn bộ trong vòng 6 tháng sau đó (1 năm kể từ khi Death Crosses xuất hiện) với xác suất đi lên 69% đi kèm với tỷ lệ giảm giá -0.97% (điều này xảy ra là do VNIndex giảm mạnh hơn ở những lần giảm điểm).
Do giai đoạn trước năm 2009, biến động trên TTCK Việt Nam rất cao dễ dẫn đến những ngoại lệ (outliers) trong số liệu thống kê. Bảng bên dưới tổng hợp diễn biến thị trương sau những tín hiệu Death Crosses từ năm 2009 cho đến nay. Thống kê cho thấy diễn biến ngẫu nhiên (random) của thị trường trong khoảng từ 1 ngày đến 3 tháng sau khi tín hiệu xuất hiện. Khả năng giảm giá mạnh nhất đến từ khoảng thời gian 6 tháng với xác suất giảm giá là 67%, nhưng % thay đổi lại không lớn và nằm tại mức -0.4% mà thôi. Điều đáng chú ý là, 1 năm sau khi Death Cross xuất hiện, thị trường lại có xác suất đi lên và tỷ lệ tăng giá lớn nhất lần lượt nằm tại mức 83% và 9.44% (cao hơn cả Golden Cross).
II. Thống kê Tăng / Giảm
Để có một cái nhìn khách quan hơn nữa, FinKInvest sử dụng Amibroker để Backtest tín hiệu Mua và Bán dựa trên tín hiệu Golden & Death Crosses.
- Buy = Golden Crosses;
- Sell = Death Crosses;
- Short = Death Crosses;
- Cover = Golden Crosses;
Kết quả Backtest được liệt kê trong bảng sau
Chú thích:
Kết quả Backtest cho thấy tín hiệu Mua theo Golden Cross và Bán theo Death Cross mang lại lợi nhuận trung bình hàng năm 8.16% đi kèm với tỷ lệ giảm giá tối đa -54.74% trên tổng vốn; một tỷ lệ tạm chấp nhận được so với mức 10.19% lợi nhuận và tỷ lệ giảm giá tối đa -79.88% của việc Mua và Nắm giữ.
Ngược lại, tín hiệu Short theo Death Cross và Cover theo Golden Cross cho mức lỗ trung bình hàng năm -6.29% và tỷ lệ giảm giá tối đa -99.99%; điều nà cũng đồng nghĩa với mất toàn bộ số vốn.
Nếu tính cả chiều mua và chiều bán cùng lúc, mức lợi nhuận trung bình hàng năm của chiến lược hai chiều mang lại mức lợi nhuận trung bình 7.55% đi kèm với tỷ lệ giảm giá tối đa 73.96%; kém hơn khá nhiều so với chiến lược chỉ Mua & Nắm giữ.
III. Kết luận:
Về thống kê tỷ lệ tăng / giảm giá:
Trong vòng 1 ngày đến 3 tháng sau khi Golden Crosses và Death Crosses xuất hiện, diễn biến của chỉ số VNIndex là ngẫu nhiên (random) ở cả chiều tăng và chiều giảm. Không có đủ bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thị trường sẽ tăng sau khi Golden Crosses cũng như thị trường sẽ giảm sau khi Death Crosses xuất hiện và ngược lại.
Giá có có xu hướng giảm giá mạnh hơn trong vòng 6 tháng sau khi Death Crosses xuất hiện nhưng tiếp tục diễn biến ngẫu nhiên sau khi xuất hiện Golden Crosses.
Một năm sau khi xuất hiện Death Crosses, VNIndex hầu như hồi phục lại toàn bộ mức giảm trước đó. Nếu chỉ tính từ năm 2009 cho đến nay (bỏ qua giai đoạn biến động mạnh ban đầu trên TTCK Việt Nam), chỉ số VNIndex tăng trưởng 9.44% với xác suất đi lên là 83%, cao hơn so với Golden Crosses với mức tăng trưởng 8.40% đi kèm với xác suất đi lên 67%.
Về kiểm định chiến lược giao dịch:
Chiến lược Mua (Long) theo Golden Crosses và Bán (Short) theo Death Crosses mang lại kết quả tạm chấp nhận được khi dù có mức lợi nhuận trung bình hàng năm thấp hơn (8.16% vs. 10.79%) thì độ rủi ro giảm vốn đi kèm cũng thấp hơn (-54.74 vs. -79.88%) so với Buy & Hold.
Ngược lại, chiến lược Bán (Short) theo Death Cross và Mua lại (Cover) theo Golden Gross mang lại kết quả tệ hại khi mang lại mức lỗ trung bình hàng năm là -6.29% đi kèm với rủi ro mất toàn bộ vốn.
Chiến lược hai chiều (cả Long và Short) mang lại mức lợi nhuận hàng năm thấp hơn nhiều so với Buy & Hold (7.55% vs. 10.79%) đi kèm với mức rủi ro giảm vốn tương đương (-73.96% vs. -79.88%).
IV. Những điểm cần lưu ý:
Thống kê và kiểm định chiến lược giao dịch dựa trên dữ liệu quá khứ và có thể không phản ánh những gì sẽ diễn ra trong tương lai.
Các thống kê chưa đưa vào các yếu tố khác (như khối lượng giao dịch, yếu tố vĩ mô,…); tuy nhiên, do số lượng mẫu là khá thấp (15 lần Golden Crosses và 16 lần Death Crosses) thì việc đưa thêm vào các yếu tố sẽ làm giảm số lượng mẫu cũng như làm giảm độ tin cậy của thống kê.
Kiểm định chiến lược giao dịch chưa đưa vào thuế và phí. Khi đưa vào thuế và phí thì lợi mua mang lại từ các chiến lược giao dịch này sẽ thấp hơn đi kèm với rủi ro cao hơn.