Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh trên diện rộng, gây áp lực khiến chỉ số VNIndex giảm điểm nhẹ phiên hôm nay. Thông tin từ NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm đến hết 16/6 chỉ đạt mức 2.13% (so với mức tăng 5.7% cùng kỳ), cùng các đánh giá thận trọng về rủi ro nợ xấu của cơ quan này do tác động của dịch Covid-19, khiến hầu hết các cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh trong phiên hôm nay ở BID (HM:BID) (-1%), CTG (HM:CTG) (-1.1%). Riêng VCB (HM:VCB) (+0.6%) đóng cửa với mức tăng nhẹ nhờ việc công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 6.5%. Với kỳ vọng đầu tư công sẽ được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu thép HSG (HM:HSG) (+5%), HPG (HM:HPG) (+0.2%) và hạ tầng CTI (HM:CTI) (+1.1%), CII (HM:CII) (+0.8%) tiếp tục tăng điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản tầm trung giảm điểm trên diện rộng sau phiên tăng ngày hôm qua ở DXG (HM:DXG) (-2%), DIG (HM:DIG) (- 1.2%); dù bộ đôi cổ phiếu VHM (HM:VHM) (+1.5%), VRE (HM:VRE) (+2,8%) tiếp tục có phiên tăng điểm nhờ thông tin được nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua vào khối lượng lớn trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng, tập trung ở PLX (HM:PLX) (+1.5%), VHM (+1.1%), VRE (+0.8%).
Hợp đồng tương lai/Quỹ ETF
Các HĐTL đồng loạt tăng điểm, trái ngược với diễn biến giảm ở chỉ số VN30 Index, do nhà đầu tư thực hiện cover vị thế bán sau khi thị trường tương lai chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng điểm vào phiên chiều. Chênh lệch của F2006 và thị trường cơ sở mở cửa ở mức +1.83 điểm, nhanh chóng đảo chiều sang mức âm -3.15 điểm trong phiên sáng, trước khi hồi phục, đóng cửa về cuối phiên ở mức +4.27 nhờ các tín hiệu tích cực từ thị trường tương lai chứng khoán Mỹ. Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng ở F2006, và mua ròng nhẹ ở F2007, trong bối cảnh phiên đáo hạn HĐTL F2006 sẽ diễn ra vào ngày mai. Thanh khoản thị trường sụt giảm xuống mức thấp.
Tâm điểm cổ phiếu trong ngày
VCB tăng 0.6% lên 84,200 VNĐ/cp.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ, VCB sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu mới phát hành tối đa 241 triệu (tương đương 6.5% vốn điều lệ), bao gồm 205 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, và 36.2 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Mizuho (nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 15%). Sau khi phát hành, vốn điều lệ của VCB sẽ tăng từ 37,088 tỷ đồng lên 39,499 tỷ đồng. Giá phát hành sẽ không thấp hơn định giá của tổ chức định giá độc lập, và giá bình quân 10 phiên liên tiếp ngay trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện dự kiên trong năm 2020-2021.
EIB (HM:EIB) tăng 1.1% lên 18,100 VNĐ/cp.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ, kế hoạch kinh doanh 2020 của EIB bao gồm lợi nhuận trước thuế 1,318 tỷ (+20% YoY), tổng tài sản 176,000 tỷ (+5% YoY), huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 147,800 tỷ (+6% YoY), dư nợ tín dụng đạt 122,275 tỷ (+8% YoY), tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Bên cạnh đó, EIB cũng đạt mục tiêu sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay. Tính đến hết quý I vừa qua, EIB vẫn đang còn 2,103 tỷ đồng trái phiếu VAMC.
Quan điểm kỹ thuật
Sau 1 phiên hồi phục tích cực, VNIndex trải qua một phiên điều chỉnh nhẹ với biên độ khá hẹp.
Chúng tôi cho rằng cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn hiện hữu nhưng rủi ro chỉ số sớm quay lại xu hướng điều chỉnh tiếp tục đứng ở mức cao với vùng kháng cự tại quanh 870.
NĐT được khuyến nghị tránh mua đuổi và tiếp tục giảm tỷ trọng các vị thế trading ở những vùng giá cao trong phiên.
VN30 và F1 giằng co trong biên độ hẹp phiên hôm nay với sự hình thành của các mẫu hình nến spinning.
Sự xuất hiện của các mẫu hình nến trung tính cho thấy cơ hội tiếp tục hồi phục vẫn còn để ngỏ cho chỉ số. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng rủi ro sớm đảo chiều và quay lại xu hướng điều chỉnh vẫn đứng ở mức cao với vùng kháng cự đáng lưu ý tại quanh 810.
NĐT được khuyến nghị ưu tiên mở vị thế SHORT khi chỉ số tiếp cận vùng cản trên.