Một số điểm nhấn quan trọng:
- Lợi nhuận khối doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi kinh tế vĩ mô đang ở giai đoạn giữa chu kỳ chuyển sang giai đoạn sau chu kỳ.
- Chỉ số lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang có xu hướng giảm mạnh
- Ngành BĐS dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
- Tác động đến triển vọng của VN-INDEX năm 2019.
-------------------------------------------------------
Xét về bối cảnh vĩ mô năm 2019, rất nhiều yếu tố khó khăn bắt đầu quay trở lại và tác động khá tiêu cực đến bức tranh lợi nhuận chung của các doanh nghiệp niêm yết. Các tác động rất khó lường đang đến từ: i) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; ii) Gia tăng chi phí đầu vào (tăng giá điện + giá xăng dầu); iii) Tăng trưởng tín dụng giảm tốc ; iv) Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do tín dụng bị siết lại...
Do đó, nhìn lại bức tranh lợi nhuận QI/2019 đang phản ánh khá rõ nét những khó khăn từ bối cảnh kinh tế tác động trực tiếp & gián tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Theo dữ liệu chúng tôi tham khảo được từ Hệ thống FiinPro Platform có một số điểm nhấn đáng chú ý:
Sau thời tăng trưởng mạnh mẽ 2016-2017 thì lợi nhuận khối doanh nghiệp đã “giảm tốc” tăng trưởng trong 4 quý trở lại đây.
Quý gần nhất (Q1-2019), tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận hoạt động (EBIT) đã suy giảm so với cùng kỳ năm trước đó (số liệu từ 878 DN, không tính ngân hàng và bảo hiểm, chiếm 76% tổng vốn hóa của cả TT)
Theo dữ liệu thống kê từ FiinPro, tính tới hết ngày 02/05/2019, đã có tổng cộng 680 doanh nghiệp công bố Báo cáo tài chính Quý 1/2019. Tổng lợi nhuận ròng Q1/2019 các doanh nghiệp công bố đạt khoảng gần 59 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,25% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nếu loại trừ lợi nhuận của nhóm Ngân hàng, thì các doanh nghiệp này đang tăng trưởng âm 2,34% so với năm trước.
Mặc dù Doanh thu vẫn duy trì tăng nhẹ và EBITDA tăng trưởng giảm:
- Doanh thu vẫn duy trì tăng trưởng mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ (5.1%) so với cùng kỳ
- Lợi nhuận bằng tiền (EBITDA) có sự suy giảm nhẹ.
Ngành BĐS kết quả đi xuống mạnh:
- Doanh thu và các chỉ số quan trọng về lợi nhuận của 81 DN ngành BĐS đều suy giảm trong Q1-2019
- Vì sao? (i) các chính sách siết tín dụng cho ngành này; (ii) các chính sách liên quan như giá thuê đất; (iii) và chu kỳ/sản lượng bán hàng của DN BĐS.
Riêng ngành Ngân hàng thì kết quả quý 1-2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng mặc dù tăng trưởng tín dụng không cao như các kỳ trước. Khác với chu kỳ 2017-2018 (tăng trưởng không chỉ dựa trên tín dụng bán lẻ/ tiêu dùng và nguồn thu phí dịch vụ/ bán chéo bảo hiểm), nguồn thu năm 2018 và quý 1-2019 chủ yếu từ hoạt động đầu tư (TPCP). Do đó, yếu tố rủi ro về lãi suất sẽ là tâm điểm ảnh hưởng lợi nhuận của khối Ngân hàng.
Dự báo tăng trưởng thu nhập (EPS) Năm 2019:
Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng EPS cho năm 2019 có khả năng giảm từ mức 25% trong năm 2018 xuống còn 10% trong năm 2019 do 1) các yếu tố đột biến ở nhóm ngân hàng không còn, 2) tăng trưởng tín dụng giảm từ 18% về 14% trong năm nay sẽ làm giảm EPS cốt lõi của nhóm ngân hàng vốn chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index và 3) tăng trưởng thu nhập của nhóm Bất động sản năm 2019 sẽ giảm do thị trường trầm lắng và tín dụng vào BSĐ đang bị siết lại.
Về định giá (P/E)
Sự điều chỉnh của thị trường Việt Nam kể từ cuối tháng 3 một phần là do xu hướng điều chỉnh của các thị trường lớn trên thế giới, phần nữa là do xu hướng giảm của tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp, kết thúc quý 1/2019 tăng trưởng lợi nhuận của các DNNY đã giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Do vậy chúng tôi cho rằng, để thị trường có thể hấp dẫn hơn so với các thị trường trong nhóm Frontier hoặc Emerging thì mức định giá của thị trường Việt Nam sẽ giảm từ mức 15,62 lần cuối năm 2018 xuống còn 14.x lần trong năm 2019 (tương đương PEG = 1.3)
Về chỉ số VN-Index năm 2019
Chúng tôi dự báo VN-Index năm 2019 có thể dao động trung bình quanh mốc 900 điểm, cận trên tối đa 1.010 +/- điểm và cận dưới 814 +/- điểm dựa vào 2 phương pháp: i) Tăng trưởng của doanh nghiệp (EPS grow đạt 10% và mức P/E đạt 14.x lần); ii) Số liệu lịch sử P/E bands bình quân 5 năm.
Chiến lược đầu tư:
Xét trên bức tranh lợi nhuận như vậy chúng tôi cho rằng NĐT nên kiên nhẫn chờ đợi thời điểm mua tại các vùng hỗ trợ hợp lý của VN-INDEX và có thể tập trung vào một số CP đầu ngành vẫn có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt/ hoặc có thể sẽ sớm phục hồi lại trong năm nay như:
- Ngành Ngân Hàng: Các cổ phiếu quan tâm gồm MBB (HM:MBB), VCB (HM:HM:VCB), TCB (HM:TCB)
- Ngành Bán lẻ: Các cổ phiếu quan tâm gồm MWG (HM:HM:MWG), PNJ (HM:HM:PNJ)
- Ngành công nghệ: FPT (HM:FPT)
- Ngành thủy sản: VHC (HM:HM:VHC), CMX (HM:HM:CMX)
- Ngành thép: HPG (HM:HM:HPG)
- Ngành điện: REE (HM:HM:REE)
- Ngành cảng biển: GMD (HM:HM:GMD), VSC (HM:HM:VSC)
(Bài viết có sử dụng số liệu và thông tin từ hệ thống FiinPro Platform)
Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường MBS (HN:HN:MBS)