Lực bán mạnh trong phiên hôm qua đã đẩy giá dầu về mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần qua, và sẽ xuất hiện nhiều lực mua bắt đáy. Thêm vào đó, một số lo ngại về nguồn cung cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu. Tuy nhiên, sức ép có thể sẽ tiếp tục quay trở lại khi điều kiện vĩ mô còn tiêu cực và triển vọng tiêu thụ, đặc biệt là tại Mỹ vẫn còn yếu.
Theo Reuters, Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của mình tới 25% trong tháng 3 so với tháng 2. Nga thường xuất khẩu tới 10 triệu tấn mỗi tháng, tương đương với 2.5 triệu thùng/ngày dầu thô Urals từ các cảng Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk và mức cắt giảm 25% sẽ tương đương 625.000 thùng/ngày. Như vậy, nếu các công ty dầu của Nga xác nhận điều này, con số cắt giảm lớn hơn mức 500,000 thùng/ngày mà phó thủ tướng Nga trước đó đã tuyên bố, có thể sẽ giúp giá dầu nhận được động lực tăng bởi lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, nguồn cung vẫn ổn định, và tiêu thụ còn yếu nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục kéo giá suy yếu. Báo cáo sớm từ Viện dầu khí Mỹ (API) sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ tiếp tục tăng mạnh 9.9 triệu thùng trong tuần trước. Tối nay, dữ liệu của EIA nhiều khả năng cũng sẽ cho thấy mức tồn kho dầu tăng lên và điều đó có thể kéo giá dầu gặp áp lực trở lại. Kể từ đầu năm, mức tồn kho dầu Mỹ đã liên tục tăng và theo báo cáo tuần trước, con số hơn 471 triệu thùng đều đã vượt mức cùng kỳ 6 năm trước đó. Tồn kho liên tục gia tăng phản ánh nhu cầu chưa có sự cải thiện đáng kể sẽ là yếu tố tiếp tục gây áp lực tới giá dầu.