Sau một kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo rài, rất cần thiết để nhìn lại những diễn biến của các loại tài sản khác nhau, ở các thị trường khác nhau để hình dung lại bức tranh chung ở thời điểm hiện tại. Trong bức tranh chung đó, đa phần những tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam là thuận lợi. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn có chút gì đó chật vật với ngưỡng 1.200 điểm khi tất cả mọi thứ đang có vẻ ủng hộ thì Covid-19 lại bùng phát.
Diễn biến liên thị trường thuận lợi: Chứng khoán, tiền kỹ thuật số vượt đỉnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tuần nghỉ lễ cũng là thời điểm mà các loại tài sản có rủi ro chứng kiến một trong những khoảng thời gian giao dịch bùng nổ nhất kể từ đầu năm. Sau những biến động xung quanh GameStop làm rúng động thị trường tài chính của Mỹ, khiến VIX tăng vọt và thị trường cổ phiếu giảm mạnh, trật tự đã được thiết lập trở lại. VIX mau chóng giảm về sát mốc 20 – vùng đáy của mình kèm theo đó các chỉ số chính của Mỹ tiếp tục vượt đỉnh, S&P 500 áp sát ngưỡng 4.000 điểm trong khi đó Dow Jones vững chãi trên mốc 30.000. Ở châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể xem là thị trường khỏe nhất thế giới lúc này khi tăng mạnh hơn 10% kể từ đầu năm và đã vượt ngưỡng 30.000. Ở sát bên, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng nghỉ Tết Nguyên Đán nhưng Shanghai Composite cũng đã qua kháng cự quan trọng ở 3.600 điểm.
Không chỉ chứng khoán, hàng hóa và tiền kỹ thuật số cũng tăng mạnh. Giá dầu WTI cũng tiếp tục hành hình phục hồi của mình khi áp sát ngưỡng 60$/thùng. Nói rộng hơn, các loại hàng hóa nói chung đều tăng mạnh, chỉ số hàng hóa Thomson Reuters CRB Index đã phục hồi về mức kháng cự tại thời điểm trước Covid, hồi cuối năm 2019. Đi kèm với sự phục hồi ấn tượng đó của giá hàng hóa, đồng Dollar có một tuần giảm mạnh khi chỉ số Dollar Index một lần nữa lùi sâu về gần mốc 90. Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Bitcoin tiếp tục tạo đỉnh mới khi áp sát ngưỡng 50.000$. Bitcoin nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung có thể xem là một loại tài sản mới trong tập hợp các loại tài sản và rất nhạy cũng như có thể xem là chỉ báo sớm cho các loại tài sản có rủi ro khác. Có thể thấy bức tranh liên thị trường hiện tại là cực kỳ thuận lợi, từ góc nhìn rộng các loại tài sản trên phạm vi toàn cầu, đến góc nhìn hẹp hơn là diễn biến thị trường trong nước. Một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận vùng đỉnh và hiện tại bức tranh lớn đang ủng hộ.
Dữ liệu từ Finashark.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại nhưng chưa đáng lo
Trong các tài sản quan trọng: trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ (và có thể cả tiền kỹ thuật số), trái phiếu là loại tài sản đóng vai trò dẫn dắt. Bởi lẽ đó mà diễn biến về giá trái phiếu (lợi suất trái phiếu nghịch đảo với giá trái phiếu) cũng cần phải xem xét cẩn trọng. Còn nhớ cú rơi của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 có sự đóng góp không nhỏ từ việc lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh, khiến đồng Dollar cũng tăng mạnh & sau đó là cơ bán tháo ở các thị trường mới nổi & cận biên, trong đó có Việt Nam.
Trong khoảng 10 ngày vừa qua, giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm & lợi suất trái phiếu cũng có sự gia tăng đáng chú ý. Cụ thể lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (US 10Y Bond Yied đã chính thực qua mốc 1.2%. Tuy nhiên diễn biến này chưa quá đáng lo vì 2 luận điểm chính sau đây.
1. Mức độ gia tăng chưa đáng lo & chưa xuất phát từ động thái đang kể nào của FED. Hiện tại nếu tính theo tỷ lệ % thì lợi luất trái phiếu đã phục hồi kha khá từ đáy nhưng nếu tính theo con số tuyệt đối thì không hẳn là nhiều. Có lẽ hiện tại lợi suất trái phiếu khó có thể có cú sụt giảm mạnh bất ngờ nữa nhưng nếu chưa qua ngưỡng 1.5% (US 10Y Bond) thì chưa bước vào xu hướng tăng dài hạn. Thêm vào đó, FED cũng chưa có động thái cụ thể nào để nâng lãi suất. Trên phố Wall có một quy tắc nổi tiếng “Three steps and a stumble rule” được đưa ra bởi Edson Gould, một nhà phân tích kỹ thuật huyền thoại, về việc thị trường cổ phiếu thường có khả năng sụt giảm mạnh sau 3 lần FED nâng lãi suất liên tiếp. Năm 2018 cũng diễn ra theo quy tắc này, còn hiện tại thì chưa.
2. Trạng thái bình thường mới trong các mối quan hệ liên thị trường. Trong cuốn sách nổi tiếng gần nhất của huyền thoại John Murphy, ông có đề cập đến “Trạng thái bình thường mới” trong các mối quan hệ liên thị trường. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 2007-2008, mối quan hệ giữa cổ phiếu và trái phiếu có những sự thay đổi. Cụ thể trong môi trường giảm phát, giá trái phiếu và cổ phiếu có xu hướng ngược chiều, hay lợi suất trái phiếu và cổ phiếu diễn biến cùng chiều. Diễn đạt theo một cách khác, lợi suất trái phiếu tăng chưa chắc gây hại cho thị trường cổ phiếu. Covid-19 có thể xem là một sự kiện mang tính giảm phát, và sau Covid, lợi suất trái phiếu nhích tăng nhẹ phần nào thể hiện đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ, ở góc nhìn này, hàm ý là tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Không may với 1.200 điểm nhưng hiện tại vẫn vững tin
Như nhiều lần tôi đã đề cập, thị trường chứng khoán Việt Nam đâu đó có sự ám ảnh với ngưỡng 1.200 điểm. Vận đen đó vẫn theo đuổi VNIndex, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Khi chúng ta có đầy đủ điều kiện thuận lợi từ tình hình thế giới, sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư F0 và một năm tăng trưởng ấn tượng nhất thế giới khi vẫn tăng trưởng dương thì hạ tầng thị trường và khả năng của các CTCK lại không đáp ứng được nhu cầu. Rồi ở thời điểm then chốt nhất, khi nhiều tài sản có rủi ro, nhiều thị trường chứng khoán lớn vượt đỉnh thì dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại. Suốt 20 năm từ thời điểm thành lập, mốc 1.200 điểm vẫn là thứ gì đó mà chúng ta luôn chưa bao giờ vững tâm.
Dịch bệnh tất nhiên gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhưng như Paul Krugman, nhà kinh tế học đạt giải Nobel về khủng hoảng đã nói “Bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về mối liên hệ giữa nền kinh tế và giá cổ phiếu, hãy ghi nhớ ba nguyên tắc. Ðầu tiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Và thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế”. Chứng khoán hay bất kỳ tài sản nào cũng chịu ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu, cung là cổ phiếu, còn cầu ở đây là dòng tiền. Dịch bệnh vẫn đang hoành hành và nhiều thị trường đã vượt đỉnh. Bức tranh lớn còn thuận lợi thì chúng ta vẫn còn được phép vững tin.