I. Sự lựa chọn của dòng tiền
Thị trường tài chính bước sang tháng cuối cùng của năm 2021 với nhiều biến động và thông tin trái chiều. Thị trường tuần trước ghi nhận bán tháo mạnh khi nhà đầu tư lo ngại về biến thể Omicron, tuy nhiên đã phần nào ổn định trở lại trong các phiên giao dịch của tuần này. Nhìn vào bản đồ tăng trưởng dòng tiền có thể thấy, dòng tiền dường như đã quay trở lại kênh tài sản cổ phiếu, vốn ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, ngang với đồng bạc xanh. Nhà đầu tư được trấn an bởi các thông tin tích cực liên quan biến chủng Omicron. Hãng dược GSK của Anh cho biết phương pháp điều trị Covid-19 dựa trên kháng thể do công ty đang phát triển với Vir Biotechnology có hiệu quả chống lại mọi đột biến của Omicron. Trước đó, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ Anthony Fauci ngày 7/12 nói dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có sức lây lan mạnh hơn nhưng dường như ít nghiêm trọng hơn.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao dữ liệu lạm phát Mỹ vào cuối tuần này – yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, giá vàng thế giới phiên 7/12 ghi nhận dao động trong biên độ hẹp. Ngược lại, USD tăng giá mạnh mẽ trong phiên này do dữ liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 10 giảm mạnh nhờ xuất khẩu tăng vọt, có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý này.
Trước các thông tin tương đối tích cực về biến thể Omicron, các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận tăng mạnh mẽ. Theo đó, Dow Jones tăng 492,4 điểm, tương đương 1,4%, lên 35.719,43 điểm. S&P 500 tăng 95,08 điểm, tương đương 2,07%, lên 4.686,75 điểm. Nasdaq tăng 461,76 điểm, tương đương 3,03%, lên 15.686,92 điểm. Việc này đã giúp chỉ số Dow Jones vượt lên trên vạch cân bằng, cho thấy trong ngắn hạn có thể sẽ giao dịch tích cực hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tìm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đến từ việc Fed có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Các số liệu kinh tế tháng 11 đóng một vai trò lớn trong sự thay đổi quan điểm của Fed. Chỉ số giá tiêu dùng cho thấy lạm phát đang lên cao và kéo dài hơn dự tính. Báo cáo việc làm tháng 11 cho thấy tăng trưởng lương mạnh mẽ, nhưng thực tế là rất ít người lao động trở lại thị trường việc làm. Việc lực lượng lao động tính đến thời điểm hiện tại của tháng 12 tăng khoảng 600.000 người cũng không làm thay đổi triển vọng kém tích cực của thị trường này.
Trong bối cảnh áp lực đè nặng lên chuỗi cung ứng khi biến thể Omicron xuất hiện, hàng hóa ghi nhận điểm dòng tiền tốt khi nhà đầu tư lo sợ các quốc sẽ gia tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách. Bên cạnh đó, mặc dù đã hạ nhiệt, chỉ số VIX vẫn duy trì ở mức cao cho thấy nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng trước các sự không chắc chắn trong tương lai.
Xem thêm nhận định về Thị trường Việt Nam tại Finashark.vn