Vietstock - Tuần bước ngoặt của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vừa ghi nhận bước ngoặt về chính sách trong tuần trước. Trong đó, Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới cắt giảm lãi suất, còn Nhật Bản nâng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm qua.
Thị trường vẫn đang theo dõi thời điểm mà phần lớn Ngân hàng Trung ương trên thế giới bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ.
Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là một trường hợp đặc biệt trên thế giới, họ đã duy trì lãi suất âm trong 17 năm để kích thích nền kinh tế bị đình trệ và thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến trong tuần trước, khi họ chấm dứt các chính sách bất thường về việc kiểm soát đường cong lợi suất và chương trình nới lỏng định lượng.
Các cuộc đàm phán tiền lương ở các doanh nghiệp là yếu tố chính thôi thúc BoJ hành động. Các nhà hoạch định chính sách tại BoJ kỳ vọng tiền lương cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu nội địa và từ đó càng thúc đẩy lạm phát.
Tomoya Masanao, người đứng đầu Pimco Nhật Bản, cho biết tác động trung và dài hạn từ bước dịch chuyển này có thể lớn hơn kỳ vọng của thị trường. Câu hỏi chính đang đặt ra là lạm phát của Nhật Bản sẽ ổn định ở mức nào trong thời hậu đại dịch.
“Dù BoJ khẳng định cam kết với mục tiêu lạm phát 2%, nhưng theo chúng tôi, BoJ khó duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng mãi mãi để chắc chắn đạt được mục tiêu này”, Masanao chia sẻ.
“Các điều chỉnh chính sách của BoJ trong trung hạn có thể bao gồm giảm số dư trên bảng cân đối kế toán và nâng lãi suất. Bất chấp các cơn gió ngược tiềm ẩn, từ sự chậm lại của kinh tế thế giới và các đợt giảm lãi suất từ các Ngân hàng Trung ương lớn, BoJ nhiều khả năng vẫn thu hẹp bảng cân đối kế toán theo cách chậm mà chắc”.
Thụy Sỹ
Cụ thể, họ giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản xuống 1.5%, trong khi các chuyên gia kinh tế dự báo giữ nguyên lãi suất.
“Trong vài tháng qua, lạm phát đã trở về dưới 2% và nằm trong phạm vi mà SNB cho là phù hợp với trạng thái ổn định giá cả. Theo dự báo mới, lạm phát có thể duy trì trong phạm vi này trong vài năm tới”, SNB cho biết. Lạm phát Thụy Sỹ tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, ở mức 1.2%.
SNB cũng hạ dự báo lạm phát xuống 1.4% trong năm 2024 và 1.2% trong năm 2025. Trước đó, hồi tháng 12/2023, họ dự báo tương ứng là 1.9% và 1.6%. Cho năm 2026, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ dự báo lạm phát ở mức 1.1%.
Sau thông báo trên, các chuyên viên phân tích tại Capital Economics kỳ vọng SNB sẽ giảm thêm 2 đợt trong năm nay, khi SNB đưa ra giọng điệu bồ câu hơn và lạm phát cũng có thể ở dưới mức dự báo.
SNB cũng lưu ý tới đà tăng của đồng Franc trong quyết định nới lỏng chính sách.
Các chiến lược gia tại BCA Research cho biết trong một báo cáo công bố vào ngày 22/03: “Trong trường hợp lạm phát giảm xuống dưới 2%, đà tăng kéo dài của đồng Franc sẽ gây ra rủi ro giảm phát cho Thụy Sỹ. Hơn nữa, đồng Franc mạnh sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu tại Thụy Sỹ. Điều này rất hợp lý khi xét rằng SNB đã nhấn mạnh tới sự suy yếu của kinh tế toàn cầu là rủi ro chính”.
Mỹ
Trong ngày 20/03, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở vùng 5.25%-5.5% và duy trì dự báo có 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay. Hiện thị trường dự báo có xác suất khoảng 70% đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 6/2024, theo CME Group. Kỳ vọng giảm lãi suất vẫn còn nguyên dù kinh tế tăng trưởng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát lõi cao hơn dự báo. Tuy nhiên, những yếu tố này buộc Fed phải nâng nhẹ dự báo lãi suất dài hạn.
“Lãi suất dài hạn được điều chỉnh tăng không đáng kể, nhưng đáng chú ý. Nó không đáng kể vì kỳ vọng của thị trường đã cao hơn nhiều, nhưng đáng chú ý vì nó củng cố nhận thức gần đây của thị trường rằng chu kỳ cắt giảm lãi suất có thể yếu hơn dự đoán ban đầu”, Whitney Watson, Giám đốc phụ trách giải pháp thanh khoản và thu nhập cố định tại Goldman Sachs (NYSE:GS) Asset Management, cho biết.
Tuy vậy, Goldman Sachs Asset Management tin rằng dù con đường lạm phát khá “gập ghềnh”, nhưng các Ngân hàng Trung ương vẫn đang trên đường cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới.
Anh
Trong ngày 21/03, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giữ nguyên lãi suất ở mức 5.25%, nhưng lại đưa ra tín hiệu “bồ câu” tại cuộc họp lần này khi hai thành viên trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ đã bỏ dự báo tiếp tục nâng lãi suất. Quyết định giữ nguyên lãi suất được thông qua với tỷ lệ 8 phiếu thuận 1 phiếu chống (ủng hộ giảm lãi suất).
Thống đốc Andrew Bailey cũng cho biết các yếu tố cơ bản “đang đi đúng hướng” cho một đợt hạ lãi suất, với lạm phát tổng thể của Anh giảm nhanh hơn dự báo, thị trường lao động hạ nhiệt và tăng trưởng tiền lương chậm lại.
Sanjay Raja, Chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, nhấn mạnh sự thay đổi giọng điệu cho thấy BoE có thể sắp bắt đầu nới lỏng chính sách trở lại. Deutsche Bank vẫn duy trì dự báo BoE giảm lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 09/05/2024. Tuy nhiên, thị trường dự báo kịch bản này chỉ có 25% xác suất xảy ra và phần lớn dự báo đợt giảm lãi suất đầu tiên nhiều khả năng diễn ra trong giai đoạn từ tháng 6-8/2024.
Vũ Hạo