Vietstock - Trung Quốc cân nhắc phát hành 411 tỷ USD trái phiếu đặc biệt
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc đang chuẩn bị một động thái táo bạo chưa từng có.
Theo Reuters đưa tin trong ngày 24/12, các nhà hoạch định chính sách nước này dự kiến sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 3,000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) trong năm 2025.
Nguồn vốn khổng lồ này sẽ được phân bổ cho nhiều mục tiêu chiến lược: từ việc hỗ trợ trợ cấp tiêu dùng, nâng cấp trang thiết bị doanh nghiệp đến đầu tư vào công nghệ then chốt và các ngành sản xuất tiên tiến. Đáng chú ý, một phần đáng kể cũng sẽ được dùng để bơm vốn cho các ngân hàng quốc doanh lớn.
Trong đó, 1,300 tỷ Nhân dân tệ sẽ được dành cho các chương trình kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp trang thiết bị, cùng với việc triển khai các dự án xây dựng quy mô lớn. Hơn 1,000 tỷ Nhân dân tệ sẽ đổ vào phát triển "lực lượng sản xuất mới". Phần còn lại sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh đang đối mặt với áp lực về tỷ suất lợi nhuận.
Thị trường đã phản ứng tích cực trước thông tin này. Chỉ số CSI 300 đã tăng khoảng 1%, dù sau đó có phần hạ nhiệt. Trong khi đó, thị trường trái phiếu chứng kiến biến động khi lợi suất trái phiếu 10 năm tăng 4 điểm cơ bản lên 1.72% từ mức đóng cửa thấp kỷ lục trước đó.
Đặc điểm của trái phiếu đặc biệt này là chúng được phát hành cho các mục đích cụ thể và không được tính vào thâm hụt ngân sách tổng thể. Quy mô dự kiến 3,000 tỷ Nhân dân tệ sẽ vượt xa mức 1,000 tỷ đã phát hành trong năm 2024, đánh dấu một kỷ lục mới trong lịch sử tài chính Trung Quốc.
"Quy mô này vượt xa kỳ vọng của chúng tôi và phản ánh quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua gói kích thích tài khóa mạnh mẽ", Michelle Lam, chuyên gia kinh tế Trung Quốc đại lục tại Societe Generale SA nhận định.
Động thái này nằm trong bối cảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cam kết mở rộng thâm hụt ngân sách và đa dạng hóa các hình thức phát hành trái phiếu nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025, với trọng tâm đặc biệt vào việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đây cũng được xem là một phần trong chiến lược giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cường khả năng chống chịu trước những áp lực tiềm tàng từ chính quyền Trump sắp tới.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)