Vietstock - Trung Quốc sẽ làm gì nếu Fed nâng lãi suất?
Theo thăm dò của Reuters, một lượng lớn chuyên viên giao dịch (trader) ở các thị trường tài chính Trung Quốc nghĩ rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể nâng lãi suất ngắn hạn trong tuần này nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất chính sách chủ chốt của họ, Reuters cho hay.
PBoC đã gây ngạc nhiên cho các thị trường hồi giữa tháng 3/2017 bằng việc nâng lãi suất liên ngân hàng ngắn và trung hạn sau khi Fed nâng lãi suất vay qua đêm.
Động thái đó khiến một số chuyên gia phân tích suy luận rằng PBoC đã quyết định “đồng bộ” các bước đi của họ với Fed nhằm giảm áp lực mất giá dai dẳng lên đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD và nhằm làm nản lòng những người muốn chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc.
Điều đó cũng phù hợp với các cam kết của Trung Quốc nhằm xử lý những rủi ro đến từ đà tăng mạnh của nợ ở quốc gia này.
Trong số 10 trader trên các thị trường tiền tệ, ngoại hối và trái phiếu của Trung Quốc được Reuters thăm dò, có 6 người tin rằng Trung Quốc cũng sẽ nâng lãi suất nếu Fed nâng lãi suất.
Tuy nhiên, quy mô của lần nâng lãi suất sắp tới sẽ ở mức nhỏ hơn, và sẽ có thể chỉ xảy ra với các lãi suất trên những Nghiệp vụ Thị trường Mở (OMO), các trader nói.
Họ không kỳ vọng PBoC sẽ nâng lãi suất cho vay tiêu chuẩn, vì gần 2 năm qua, điều này chưa hề xảy ra.
Fed được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất thêm 0.25% sau cuộc họp chính sách ngày 13-14/06 tới.
Một vài đợt tăng do PBoC thực hiện hồi đầu năm nay chỉ ở mức 10 điểm cơ bản, và các trader mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào trong tuần này cũng sẽ có quy mô tương tự.
Các cổ phiếu Trung Quốc đã tăng nhẹ sau khi Fed tăng lãi suất hồi tháng 3/2017. Thời điểm ấy cũng có rất ít phản ứng trên các thị trường tiền tệ và ngoại hối Trung Quốc.
“Hiện có những chênh lệch đáng kể giữa lãi suất của OMO và lãi suất thị trường. Vì vậy, một mức tăng nhẹ sẽ là khá bình thường”, một trader của một ngân hàng Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết.
Người này cho rằng bất kỳ tác động nào từ lãi suất thị trường cao hơn cũng sẽ không nhanh chóng phản ánh vào nền kinh tế thật sự, dù hầu hết các chuyên gia phân tích tin rằng việc siết chặt tín dụng từ từ và chi phí tài chính cao hơn sẽ bắt đầu tắc động tiêu cực đến nhiều hoạt động trong những tháng tới.
Tuy nhiên, 4 trong 10 trader trên nói rằng họ không nghĩ PBoC sẽ có thể nâng lãi suất trong tuần này.
Họ tranh luận rằng chính sách tiền tệ vốn đang thắt chặt vì Bắc Kinh tiếp tục quyết tâm với chiến dịch giảm bớt đòn bẩy nhằm ngăn chặn và giảm rủi ro trong hệ thống tài chính, và vì các ngân hàng trở nên thận trọng hơn với việc cho vay khi họ chuẩn bị cho một đợt kiểm tra số sách gắt gao theo quý do PBoC tiến hành.
Lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (SHIBOR) kỳ hạn 1 tháng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.
“Khoảng thời gian giữa năm nay là tương đối nhạy cảm, và thêm vào đó là các lãi suất ngắn hạn hiện không phải là thấp. Nâng lãi suất thêm sẽ tạo ra nhiều áp lực cho thị trường”, một trader của ngân hàng khu vực phân tích.
Bất ổn chính sách cũng leo thang sau khi đồng NDT đột ngột tăng mạnh trong những tuần qua – điều mà một số chuyên gia phân tích tin là do PBoC tạo ra như một biện pháp nhằm ngăn chặn bán khống trước khi Fed tăng lãi suất và xoa dịu áp lực giảm giá có thể xảy ra trong tương lai.
Những người tham gia thị trường đã có các ý kiến khác nhau về việc PBoC có nâng lãi suất của kênh cho vay trung hạn (MLF) hay không. Suốt thời gian qua, PBoC đã cho vay với thời gian đáo hạn lâu hơn, qua đó khiến chi phí vay của các ngân hàng tăng lên.
Thông thường, tháng 6 là tháng khá căng thẳng đối với tính thanh khoản của hệ thống tài chính, vì các công ty phải nộp thuế và ngân hàng cạnh tranh nhau để có đủ lượng tiền đáp ứng được cuộc “kiểm tra sức khỏe” theo quý.
Giới phân tích nói rằng dù PBoC đã thực hiện một số bước đi nhằm làm rõ ý định của mình, nhưng họ vẫn chưa rõ ràng trong chuyện truyền tải thông điệp về các động thái liên quan đến lãi suất.