Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến khoảng 300 triệu lao động toàn thời gian trên khắp các nền kinh tế lớn bị tự động hóa thay thế. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng lớn đến số lượng lớn việc làm của con người trong những năm tới. Đặc biệt là khi xuất hiện các hệ thống Generative AI (AI tổng quát) như ChatGPT, có thể tạo ra nội dung khó phân biệt được với nội dung do con người thực hiện.
Nếu phát huy hết tác dụng, công nghệ mới này có thể khiến khoảng 300 triệu lao động toàn thời gian trên khắp các nền kinh tế lớn bị tự động hóa thay thế, theo Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (NYSE:GS).
Nhằm có cái nhìn tổng quan về một tương lai doanh nghiệp dưới tác động của AI, tờ Wall Street Journal mới đây đã phỏng vấn nhiều chuyên gia tin học, nhân sự, tuyển dụng, tâm lý, quản trị doanh nghiệp,…
Hãy xem AI sẽ thay đổi môi trường làm việc của doanh nghiệp như thế nào?
Thay đổi hoạt động kinh doanh
Theo Michael Chui, giám đốc của Viện McKinsey Global, trong tương lai gần, AI sẽ tiếp tục quá trình tự động hóa nhiều công việc văn phòng dưới hình thức như soạn thảo bản thảo tài liệu, trả lời email, làm bài thuyết trình, tạo hình ảnh, video và thiết kế sản phẩm, ….
Do đó, nhân viên sẽ không cần phải soạn thảo nhiều mà sẽ tập trung vào việc biên tập. Ví dụ, phần mềm quản lý quan hệ khách hàng sẽ gợi ý đề tài để nói chuyện với khách hàng tiềm năng, thậm chí gợi ý nguyên cả kịch bản để tuân theo.
Nhân viên bán hàng chỉ cần phác thảo buổi trình bày bằng ngôn ngữ tự nhiên, phần mềm sẽ tự động soạn thảo các biểu bảng, truy cập dữ liệu của công ty để tạo ra các tờ trình chiếu.
Người đồng sáng lập Microsoft (NASDAQ:MSFT), Bill Gates gần đây cũng đã đưa ra một dự đoán tương tự. Ông cho rằng, trong tương lai, các công ty AI hàng đầu sẽ phát triển và sử dụng một "trợ lý kỹ thuật số cá nhân" hoàn toàn mới.
Người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates. |
Darrell West, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings, dự báo rằng AI sẽ làm cho các tổ chức “phẳng” hơn, nghĩa là không còn chia thành các cấp bậc như hiện nay với các nhân viên cấp thấp thực hiện các công việc thường xuyên, nhân viên cấp trung quản lý và lãnh đạo cấp cao định hướng doanh nghiệp.
Thay vào đó, AI sẽ tự động hóa nhiều phần việc mà nhân viên cấp thấp thường làm. Ví dụ, các công việc như quản lý sổ sách kế toán, mua hàng, và sàng lọc hồ sơ tuyển dụng đang dần được tự động hóa. Các văn phòng sẽ không còn cần người thu thập, tổng hợp, và phân tích thông tin nữa.
Trong tương lai, việc giám sát và đánh giá nhân viên sẽ không còn cần thiết. Thay vào đó, các công ty có thể sử dụng AI và phân tích dữ liệu để thu thập phản hồi từ khách hàng, từ đó đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên.
Bằng cách này, các công ty có thể sàng lọc nhân viên có năng suất thấp và tìm kiếm nhân viên có hiệu suất làm việc tốt hơn để khen thưởng kịp thời. Cuối cùng, tổ chức quản trị doanh nghiệp sẽ ít phân cấp và giảm tổng số nhân sự ở các doanh nghiệp.
Thay đổi văn hóa doanh nghiệp
Jonathan Gratch, Giáo sư Đại học Southern California, dự báo rằng trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi về văn hóa làm việc. Thông thường, làm việc theo nhóm sẽ xây dựng các mối quan hệ gắn kết, quan tâm đến nhau và là rào cản để tránh khỏi các hoạt động phạm pháp.
Tuy nhiên, nếu nhân viên chỉ tương tác với một trợ lý AI, sự tương tác sẽ chỉ còn vì lợi ích cá nhân. Nói cách khác, con người sẽ ít quan tâm đến chuyện đạo lý khi làm việc với AI.
Lấy ví dụ trong các cuộc đàm phán trực tiếp thông thường, hầu hết mọi người đều tuân thủ các quy tắc công bằng và lịch sự, họ sẽ cảm thấy tội lỗi khi lừa dối đối tác.
Tuy nhiên, khi con người sử dụng AI để soạn cách đối đáp và chiến lược ứng phó, Giáo sư Gratch cho rằng con người có thể dễ dàng yêu cầu AI sử dụng các phương thức lừa dối hay thao túng tâm lý để đạt được lợi ích cá nhân.
Joseph F. Coughlin, Giám đốc AgeLab tại Massachusetts Institute of Technology cho rằng AI sẽ giúp nhân viên lớn tuổi được chú ý hơn. Trong môi trường văn phòng, nhân viên trẻ thường giỏi phân tích và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, nhân viên lớn tuổi thường có kinh nghiệm và kiến thức lâu năm để xác định vấn đề, bao gồm cả các khía cạnh tâm lý. Bên cạnh đó, nhân viên lớn tuổi còn có khả năng phân biệt vấn đề cần được giải quyết và vấn đề thứ yếu hơn. Chỉ có điều họ thường sẽ chậm hơn nhiều trong quy trình làm việc.
Với sự hỗ trợ của AI, nhân viên lớn tuổi có thể sử dụng các công cụ bổ sung để tận dụng năng lực của mình với tốc độ không thua kém các đồng nghiệp trẻ tuổi. Điều này giúp tạo ra một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và có khả năng sử dụng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn.
Coughlin đã đưa ra ví dụ về việc AI có thể trở thành người trợ lý đắc lực cho giới bác sĩ bằng cách thu thập và tổ chức các thông tin quan trọng như lịch sử bệnh tật, đặc điểm gen, phản ứng với thuốc và các phương pháp điều trị thành công,… mà bác sĩ ở mọi độ tuổi đều cần.
Tuy nhiên, những bác sĩ lớn tuổi có thể áp dụng kinh nghiệm lâu năm của mình khi xử lý dữ liệu mới để đưa ra những quyết định chính xác và kịp thời.
Theo Matt Cain, Phó Chủ tịch Gartner, một trong những trở ngại của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ vào công việc là sự chậm chạp và e dè của nhân viên khi đối mặt với công nghệ mới.
Tuy nhiên, AI sẽ giúp giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng ngôn ngữ bình thường và giao diện đơn giản để giới thiệu công nghệ mới.
Ví dụ, một nhân viên có thể cung cấp dữ liệu lịch sử cho AI, sau đó yêu cầu công nghệ này tìm và xếp hạng các biến số để xác định tiềm năng thị trường của một sản phẩm. Điều này giúp loại bỏ các quy trình tương tác phức tạp và dài dòng giữa con người và máy móc.
Dù AI làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng và tốt hơn. Tuy vậy, cũng cần khẳng định rằng rất khó có khả năng AI có thể thay thế hoàn toàn con người. Con người sẽ luôn cần thiết bên cạnh các sản phẩm do máy móc làm ra bởi con người có những thứ mà AI không bao giờ có - cảm xúc và sự sáng tạo thực sự.