Vietstock - Trái chủ của Credit Suisse nổi giận
Các trái chủ nắm giữ trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse mất hàng tỷ USD sau vụ mua lại. Dù rủi ro đã được biết rõ từ trước, điều này vẫn ảnh hưởng thị trường nói chung.
Ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - đồng ý mua lại nhà băng 167 tuổi - Credit Suisse - với giá 3,23 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này. Ảnh: Reuters.
|
17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của Credit Suisse đã bị xóa sổ sau thương vụ giữa UBS và ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ.
Theo CNBC, điều này khiến các trái chủ của Credit Suisse phẫn nộ vì khoản đầu tư của họ đã mất trắng, còn cổ đông vẫn được hoàn trả sau vụ mua lại.
Thông thường, các khoản đầu tư vốn cổ phần sẽ được coi là kém quan trọng hơn trái phiếu AT1.
Khoản lỗ trái phiếu AT1 kỷ lục
Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cho biết hàng tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse sẽ vô giá trị và chuyển một phần gánh nặng chi phí sang các nhà đầu tư tư nhân. Toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.
Theo các chiến lược gia tại Goldman Sachs (NYSE:GS), đây là khoản lỗ lớn nhất đối với nhà đầu tư AT1 kể từ khi loại trái phiếu này ra đời vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Nhiệm vụ của AT1 là hấp thụ các khoản lỗ. Điều này không đáng ngạc nhiên. Chúng chỉ làm những gì được thiết kế để làm. Bà Elisabeth Rudman - Trưởng bộ phận Tổ chức tài chính toàn cầu tại DBRS Morningstar |
Tuy nhiên, bà Elisabeth Rudman - Trưởng bộ phận Tổ chức tài chính toàn cầu tại DBRS Morningstar - cho rằng động thái của Finma không gây sốc.
"Nhiệm vụ của AT1 là hấp thụ các khoản lỗ. Điều này không đáng ngạc nhiên", bà nói thêm. "Chúng chỉ làm những gì được thiết kế để làm", vị chuyên gia nhận định.
Trái phiếu AT1 là một loại nợ được coi như một phần vốn tối thiểu của ngân hàng. Người nắm giữ có thể chuyển đổi AT1 thành cổ phần hoặc bút toán giảm trong một số trường hợp nhất định.
AT1 được tạo ra sau khủng hoảng tài chính nhằm chuyển rủi ro khỏi doanh nghiệp trong khủng hoảng. Do yếu tố rủi ro cao, loại trái phiếu này thường trả lãi cao hơn những trái phiếu khác.
Thay đổi quan điểm của nhà đầu tư
Rủi ro đã được nêu rõ trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Theo đó, trong trường hợp xóa sổ trái phiếu, toàn bộ số tiền gốc sẽ giảm về 0.
Đây là điều đã xảy ra với Credit Suisse, sau khi ngân hàng này bị mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.
Thương vụ này được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.
Rắc rối của Credit Suisse đã khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới và được xếp vào nhóm các ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống.
Tình huống của các trái chủ Credit Suisse làm dấy lên lo ngại về tác động đối với thị trường tín dụng toàn cầu và trái phiếu AT1 của các tổ chức tài chính lớn khác.
Theo bà Rudman, điều này có thể tác động tới quan điểm của nhà đầu tư về trái phiếu, và cách họ sẵn sàng trả tiền cho chúng.
"Sẽ có những rủi ro về việc định giá, và có lẽ một số nhà đầu tư có thể tính toán lại lợi suất mà họ đang tìm kiếm", bà cho biết.
Trong khi đó, Goldman Sachs cho rằng quyết định của Finma sẽ "ngăn chặn rủi ro gia tăng đáng kể".
"Vẫn chưa rõ các nhà đầu tư coi đây là một trường hợp cá biệt, hay sẽ thay đổi cách đánh giá về phần thường rủi ro của mình trong thời điểm những rắc rối của ngành tài chính đang gia tăng", đội ngũ phân tích nhận xét.
Goldman cho rằng hiện giờ, rất khó để đánh giá sự hấp dẫn của AT1 dựa trên mức chênh lệch lợi suất giữa AT1 và các trái phiếu có rủi ro thấp hơn. Ngân hàng đầu tư này dự báo nhu cầu AT1 sẽ giảm đi.
Thảo My