Vietstock - Thị trường mới nổi bước vào thị trường con gấu trong thoáng chốc
Các thị trường chứng khoán mới nổi tích tắc bước vào thị trường con gấu trong ngày thứ Năm (06/09), khi nhà đầu tư thấp thỏm lo ngại về chính sách tiền tệ Mỹ thắt chặt hơn, hoạt động thương mại toàn cầu và khủng hoảng kinh tế ở Argentina cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.
Chứng chỉ quỹ ETF iShares MSCI Emerging Markets (NYSE:EEM) có lúc giảm 0.6% trong ngày thứ Năm (06/09), qua đó nâng tổng mức giảm so với đỉnh tháng 1/2018 lên hơn 20%. Tuy nhiên, sau đó, quỹ này đã hồi phục phần nào và khép phiên tăng 0.1%.
Các quỹ bám sát theo các chỉ số chứng khoán Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng rơi vào phạm vi thị trường con gấu. Chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ rớt hơn 56% so với mức đỉnh 52 tuần, còn chứng khoán Brazil và Argentina đều lao dốc hơn 30% so với mức đỉnh 52 tuần. Chứng chỉ quỹ iShares China Large-Cap ETF (FXI) sụt 24% so với mức đỉnh 1 năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, qua đó thắt chặt chính sách tiền tệ và thúc đẩy đồng USD. Một vài nền kinh tế mới nổi có lượng nợ bằng đồng USD rất lớn, vì vậy đồng bạc xanh mạnh hơn sẽ làm gia tăng chi phí trả nợ cho các quốc gia này. Ngoài ra, đồng bạc xanh mạnh hơn còn gây khó khăn cho các quốc gia mới nổi trong việc mua hàng hóa vì phần lớn hàng hóa đều được mua và bán bằng đồng USD.
“Đây vẫn là điểm then chốt. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu khăng khăng giảm bớt thanh khoản, đồng thời nâng lãi suất, những nạn nhân sẽ tiếp tục lao đao, bắt đầu là với những quốc gia yếu hơn, nhưng rồi sẽ dần lan sang các quốc gia mạnh hơn”, Viktor Shvets, Trưởng Bộ phận Chiến lược cổ phiếu châu Á tại Macquarie, cho biết trong một báo cáo.
Fed đã nâng lãi suất 2 lần trong năm 2018 (tháng 3,6) và còn dự định nâng thêm 2 lần nữa trước khi kết thúc năm nay.
Cùng lúc đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn ngày một nóng hơn. Chính quyền Donald Trump được cho là sẽ áp thêm thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau lúc giữa đêm – vốn là hạn chót của giai đoạn bình luận công khai về đề xuất áp thuế. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng đe dọa áp thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức Canada gặp gỡ các quan chức Mỹ để cố gắng tham gia vào thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico – vốn đã tiến tới vào ngày 27/08/2018. Thỏa thuận thương mại mới sẽ thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – vốn bao gồm Mỹ, Canada và Mexico. Hiệp định NAFTA đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nặng nề. Ông Trump đã gọi đây là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các cuộc đàm phán thương mại cũng diễn ra sau khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Mexico và Canada, và hai quốc gia này cũng đã đáp trả lại.
Các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Donald Trump đã nhiều lần gây chấn động trên các thị trường mới nổi, vì phần lớn các nền kinh tế này đều phụ thuộc vào xuất khẩu. Các điều kiện thương mại thắt chặt hơn sẽ gây tổn thương tới các nền kinh tế này.
Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ
Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế.
Cho đến tháng 7/2018, lạm phát của Argentina vọt hơn 30% xét trên cơ sở hàng năm. Ngân hàng Trung ương Argentina đã cố gắng kìm hãm lạm phát thông qua các đợt nâng lãi suất, nhưng vẫn chưa có nhiều hiệu quả. Tuần trước, họ đã nâng lãi suất chuẩn lên 60%, mức cao nhất trên thế giới.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tháng 8/2018, sau khi ông Trump tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng tiền này đã mất ít nhất 40% so với đồng USD trong năm nay, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan, gây áp lực lên NHTW để giữ lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết kìm hãm đà tăng của lạm phát.
“Thách thức với Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina không chỉ là hai quốc gia có thâm hụt kép không bền vững và chịu áp lực khổng lồ từ lạm phát, mà còn là các phản ứng của họ khá chậm hoặc quá mang hơi hướng thù địch”, Shvets cho hay. “Trên thực tế, cả hai đều đối mặt với những lựa chọn không thể chấp nhận được về khía cạnh chính trị là: Suy thoái mạnh hoặc một số dạng kiểm soát vốn và tái thương lượng về nợ”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)