Vietstock - Thế giới ghi nhận 10.000 ca tử vong do Covid-19 trong ngày
Số ca tử vong hàng ngày do Covid-19 toàn cầu lần đầu vượt 10.000 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong tổng số gần 1,3 triệu người đã chết.
Thế giới ghi nhận thêm 10.010 ca tử vong do Covid-19 hôm 12/10, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.298.400. Tổng số ca nhiễm hiện là 53.053.182, trong khi 37.157.032 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 10.857.306 ca nhiễm và 248.464 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 165.887 và 1.266.
Thống đốc New York Andrew Cuomo thông báo áp đặt hạn chế mới từ 13/11, yêu cầu quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục trong bang đóng cửa vào 22h, giới hạn số người tham dự các bữa tiệc riêng tư từ 10 người trở xuống. Một ngày trước đó, California và một số bang Trung Tây cũng siết chặt hạn chế phòng dịch.
Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot hôm 12/10 cho biết thành phố lớn thứ ba ở Mỹ có thể ghi nhận tới hơn 1000 ca tử vong do Covid-19 vào cuối năm nếu người dân không thay đổi hành vi và làm nhiều hơn để ngăn chặn virus lây lan.
Lightfoot đầu tuần này ban hành khuyến cáo 30 ngày, kêu gọi người dân ở nhà và không tiếp khách, ngay cả trong Lễ Tạ ơn. Nếu ra khỏi bang, người dân phải cách ly 14 ngày hoặc nộp xét nghiệm âm tính với virus.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 43.861 ca nhiễm và 521 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.727.900 và 128.686.
Đại dịch đã lây lan rộng khắp đất nước 1,3 tỷ dân, từ các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai, đến những vùng nông thôn và địa phương khác. Nhiều quan chức cấp cao nước này cũng nhiễm virus, như Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shaktikanta Das.
Bất chấp tình hình dịch bệnh, đám đông đã chật kín các khu chợ ở New Delhi trước lễ hội ánh sáng Diwali, ngày lễ lớn nhất của đất nước, và nói rằng họ đã chán ngấy với việc bị phong tỏa. Một quan chức cấp cao cảnh báo Diwali có thể trở thành "sự kiện siêu lây lan".
"Mọi người không quan tâm. Mọi người muốn ra ngoài. Tôi đã chán ngấy việc ở nhà nên tôi không sợ ra ngoài đi mua sắm", Tanisha, một sinh viên 19 tuổi, nói.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một cậu bé ở bang Nevada, Mỹ hôm 12/11. Ảnh: AFP.
|
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 926 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 164.332. Số người nhiễm nCoV tăng 34.640 trong 24 giờ qua, lên 5.783.647.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Pháp báo cáo 1.898.710 ca nhiễm và 42,960 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 33.172 ca nhiễm và 425 ca tử vong. Nước này cũng ghi nhận số người nhập viện cao hơn so với mức đỉnh dịch hồi tháng 4.
Một cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa dân số đã vi phạm các quy định phong tỏa một phần hiện tại. 60% người dân vi phạm các quy tắc ít nhất một lần, bằng cách đưa ra một lý do sai để đi ra ngoài theo giấy phép tự ký của họ hoặc gặp gỡ gia đình và bạn bè.
"Làn sóng thứ hai cực kỳ mạnh", Thủ tướng Jean Castex cảnh báo trong một cuộc họp báo. "Hiện nay cứ 4 trường hợp tử vong thì một trường hợp do Covid-19".
Anh báo cáo thêm 33.470 ca nhiễm và 563 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.290.195 và 50.928.
Anh hôm 31/10 tái áp đặt phong tỏa toàn quốc Đây là một trong những lệnh giới hạn nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường vì những lý do nhất định như đi học, đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men, cũng như chăm sóc những người dễ tổn thương trong xã hội.
Tại Italy, quốc gia ghi nhận 1.066.401 ca nhiễm và 43.589 ca tử vong, tăng lần lượt 37.978 và 636, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.
Đức ghi nhận 23.462 ca nhiễm mới và 194 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 749.638 và 12.276.
Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch".
Các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa. Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp được tiếp tục diễn ra nhưng không được đón khán giả. Tuy nhiên, trường học và cửa hàng được phép mở cửa.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 744.732 ca nhiễm và 20.076 ca tử vong, tăng lần lượt 2.338 và 65 ca.
Nền kinh tế phát triển nhất châu Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 40,121 người chết, tăng 457, trong tổng số 726.585 ca nhiễm, tăng 11.517. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 452.291 ca nhiễm, tăng 4.173 so với hôm trước, trong đó 14.933 người chết, tăng 97 ca. Philippines báo cáo 402.820 ca nhiễm và 7.721 ca tử vong, tăng lần lượt 1.407 và 11 ca.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Ghebreyesus, nhấn mạnh các quốc gia phải đoàn kết để chống lại virus. "Chúng ta có thể mệt mỏi với Covid-19, nhưng nó không mệt mỏi với chúng ta", ông nói. "Chúng ta không thể nhắm mắt và hy vọng nó biến mất. Nó không chú ý đến các luận điệu chính trị hoặc các thuyết âm mưu. Hy vọng duy nhất của chúng ta là khoa học, giải pháp và sự đoàn kết".
Huyền Lê