Vietstock - Thập kỷ hoàng kim của chứng khoán Mỹ sắp kết thúc?
Theo Goldman Sachs (NYSE:GS), thời kỳ hoàng kim kéo dài một thập kỷ của thị trường chứng khoán Mỹ sắp trở thành dĩ vãng.
Theo báo cáo mới từ nhóm nghiên cứu chiến lược của Goldman Sachs, S&P được dự báo chỉ tăng 3% mỗi năm từ nay đến năm 2034. Mức lợi nhuận này không chỉ đặt S&P 500 ở phân vị thứ 7 về hiệu suất kể từ năm 1930, mà còn kém xa con số 13% ấn tượng mà chỉ số này đã ghi nhận trong thập kỷ trước.
Đáng chú ý, Goldman còn dự báo S&P 500 có tới 72% khả năng có hiệu suất kém trái phiếu và 33% nguy cơ không theo kịp lạm phát trong giai đoạn này.
"Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho lợi nhuận cổ phiếu trong thập kỷ tới sẽ ở mức thấp hơn", các nhà phân tích viết.
Theo Goldman Sachs, có 5 yếu tố chính đang đe dọa triển vọng của thị trường.
Trước tiên là định giá đang ở mức cao chưa từng thấy, với tỷ lệ giá trên thu nhập điều chỉnh theo chu kỳ (CAPE) đạt 38 lần - gần gấp đôi so với mức trung bình lịch sử 22. Điều này cho thấy khả năng sinh lời trong tương lai có thể sẽ bị hạn chế.
Thứ hai, thị trường đang chứng kiến mức độ tập trung cao nhất trong vòng một thế kỷ qua. Các công ty công nghệ vốn hóa lớn như Nvidia (NASDAQ:NVDA) và Alphabet đã đóng góp phần lớn vào mức tăng hơn 20% của S&P 500 từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, Goldman cảnh báo rằng sự phụ thuộc này có thể dẫn đến rủi ro biến động lớn và thiếu đa dạng trong danh mục đầu tư.
"Phân tích lịch sử của chúng tôi cho thấy rất khó để bất kỳ công ty nào duy trì mức tăng trưởng doanh số và biên lợi nhuận cao trong thời gian dài", các chuyên gia của Goldman nhấn mạnh. Họ chỉ ra rằng ngay cả những công ty S&P 500 từng liên tục tạo ra mức tăng trưởng doanh thu trên 20% cũng đã trải qua sự sụt giảm mạnh sau một thập kỷ.
Yếu tố thứ ba là dự báo về tần suất suy giảm kinh tế. Goldman dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua bốn đợt GDP co lại trong thập niên tới, chiếm khoảng 10% số quý - tăng gấp đôi so với 2 lần trong thập kỷ trước. Đáng lưu ý, trong những giai đoạn suy thoái này, lợi nhuận cổ phiếu thường giảm trung bình 10% mỗi năm.
Yếu tố cản trở thứ tư được đưa vào mô hình lợi nhuận tương lai của Goldman là khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Ngân hàng này dự báo sự suy giảm tăng trưởng doanh số và lợi nhuận của các cổ phiếu đầu tàu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ thị trường.
Cuối cùng, áp lực đến từ mặt trận trái phiếu khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đang neo ở mức trên 4%. Mức lợi suất này đang trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về cắt giảm lãi suất, đặc biệt sau loạt báo cáo kinh tế tích cực gần đây và tình trạng lạm phát vẫn dai dẳng ở mức cao.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)