Vietstock - Nỗi lo của Chủ tịch Fed giữa đại dịch Covid-19
Hôm 12/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ông lo ngại về những người sẽ gánh chịu hậu quả lâu dài từ đại dịch Covid-19, nhất là những người phụ nữ, trẻ em và chủ doanh nghiệp.
Khi được hỏi đâu là nỗi lo lớn nhất giữa lúc thế giới cố gắng gượng dậy từ đại dịch Covid-19, ông Powell cho biết “đó là rủi ro xuất hiện tác động lâu dài tới năng lực sản xuất của nền kinh tế và tới đời sống của những người bị gián đoạn bởi dịch Covid-19”.
* Fed giữ nguyên lãi suất, khẳng định vẫn chưa dùng hết công cụ chính sách tiền tệ
* Fed còn gì để hỗ trợ kinh tế khi Washington trì hoãn gói kích thích?
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Ông Powell đưa ra phát biểu trên tại bàn tròn thảo luận của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cùng với Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey.
“Đó là những người phụ nữ đột nhiên bị đào thải khỏi thị trường lao động”, ông Powell tiếp lời. “Đó là những đứa trẻ không nhận được sự giáo dục cần thiết. Đó là những doanh nghiệp nhỏ với nhiều thế hệ vốn tri thức bị hủy hoại và đó là những người lao động đã nghỉ việc trong một khoảng thời gian dài và mất kết nối với lực lượng lao động, đồng thời đánh mất cuộc sống từng có”.
Hầu hết dữ liệu kinh tế gần đây đều khá mạnh, nhất là về hoạt động tuyển dụng. Báo cáo việc làm tháng 10/2020 lạc quan hơn dự báo của Phố Wall và khoảng 12 triệu người lao động đã trở lại làm việc sau đợt sa thải 22 triệu người trong tháng 3-4/2020. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 trong tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày 12/11.
Tuy vậy, một số chuyên gia kinh tế lo ngại đà giảm tốc có thể đến khi số ca nhiễm Covid-19 ngày một tăng và các bang triển khai các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động của các doanh nghiệp và cá nhân.
Ông Powell lên tiếng cảnh báo những người lao động bị cho ra rìa sẽ cần sự hỗ trợ thêm khi nền kinh tế Mỹ hồi phục nhưng không còn được như trước dịch.
“Nền kinh tế sẽ không trở lại như xưa”, ông Powell nói. “Chúng ta đang hồi phục, nhưng hướng tới một nền kinh tế khác và đó sẽ là một nền kinh tế mà công nghệ có sức ảnh hưởng lớn hơn. Tôi lo ngại rằng điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn với nhiều người lao động”.
Nhà lãnh đạo của Fed cho biết ông muốn nhấn mạnh cụ thể đến “những người lao động có lương khá thấp – đó là những người đang gánh chịu tác động của đại dịch, nhiều trong số họ là phụ nữ và dân tộc thiểu số.
Cần thêm sự hỗ trợ
Ông Powell cho hay, khi xu hướng tự động hóa và làm việc tại nhà càng được củng cố thì thách thức càng tăng lên, đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách sẽ phải linh hoạt hơn.
Nhận định của Powell được đưa ra giữa lúc các nhà lập pháp tại Washington chưa tiến tới gói hỗ trợ tài khóa bổ sung cho 11 triệu lao động đang thất nghiệp tại Mỹ - nhiều trong số họ là nạn nhân của dịch Covid-19.
Ông Powell hy vọng cả Fed và Quốc hội Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho người lao động.
"11 triệu lao động này phải chật vật quay lại công việc cũ hoặc tìm việc làm mới. Tôi tin chúng ta sẽ thấy mọi người làm việc từ xa nhiều hơn và tự động hóa trong sản xuất cũng có thể tăng tốc. Tất cả đều đang diễn ra, song sẽ tiếp tục rõ nét hơn trong tương lai", người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhận xét.
"Theo tôi, điểm cốt lõi là ngay cả sau khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và chúng ta có vắc-xin ngừa Covid-19, có lẽ vẫn còn một nhóm lớn người lao động cần hỗ trợ khi họ tìm cách vực dậy hậu đại dịch vì các động lực chính của nền kinh tế sẽ thay đổi đáng kể", ông Powell nhận định.
Kết quả thử nghiệm vắc xin của Pfizer và BioNTech hồi đầu tuần này "chắc chắn là tin tốt và đáng hoan nghênh", ông Powell cho hay. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cho rằng "còn quá sớm để tự tin đánh giá tác động của thông tin tích cực này đối với hướng đi của nền kinh tế, đặc biệt là trong ngắn hạn".
Ông Powell kết luận: "Khi dịch bệnh lây lan khủng khiếp như hiện nay, vài tháng tới có thể là một giai đoạn đầy thức ".
Vũ Hạo (Theo CNBC)